Ngày 29/4/2009, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh ta về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XII của tỉnh; Phan Bá Sang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Ngọc Ái, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.Tại buổi làm việc, Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH chung của tỉnh. Nhận định tình hình nền kinh tế có diễn biến không tốt, từ quý IV năm 2008 Vĩnh Phúc đã đưa ra 13 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu KT-XH năm 2009. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế toàn cầu nên Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng nặng, do đó quý I năm 2009 kinh tế của Vĩnh Phúc cũng suy giảm, tốc độ tăng trưởng GDP âm 10,04% so với quý I năm 2008, trong đó ngành Công nghiệp - Xây dựng giảm 12,63%; Dịch vụ tăng 4,11%; ngành Nông - Lâm nghiệp, Thuỷ sản giảm 30,82%. Mặc dù vậy Vĩnh Phúc đã quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, thông qua một loạt nghị quyết của HĐND nhằm triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ. Trước tình hình nền kinh tế suy thoái, mới đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp Hội nghị lần thứ 11 để xem xét, đánh giá tình hình KT-XH quý I và tiếp tục đề ra giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm 2009, gồm 9 nhóm: quán triệt và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững”; tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế; tập trung sản xuất nông nghiệp, triển khai nhanh các dự án đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn sớm đưa vào khai thác sử dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn ổn định, duy trì và phát triển sản xuất; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình XDCB; tăng cường công tác bồi thường GPMB; giảm thiểu thời gian làm thủ tục đầu tư XDCB; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư và chi tiêu công và nhóm giải pháp về tín dụng ngân hàng. Triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, Vĩnh Phúc đã thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước; triển khai thực hiện các chính sách về tài chính như triển khai quy định về miễn giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân, cân đối ngân sách địa phương; triển khai thực hiện chính sách về tiền tệ như hỗ trợ lãi suất đối với địa phương, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ phát triển từ nguồn tín dụng Nhà nước gồm tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu; thực hiện bảo lãnh tín dụng. Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cũng do suy thoái nên các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hơn, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ luân phiên hưởng 70% lương. Một số công ty lớn giảm sản lượng cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phụ trợ. Trên địa bàn tỉnh có số lượng lớn người lao động không có việc làm trở về địa phương, trong đó chủ yếu là lao động làm ở ngoài tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bàn và đề ra một số giải pháp để hỗ trợ người lao động không có việc làm và thiếu việc làm. Đồng thời đề nghị Quôc hội, Chính phủ một số kiến nghị nhằm để tháo gỡ khó khăn. Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thảo luận và tìm hiểu sâu về các giải pháp chính của Vĩnh Phúc trong việc chống suy giảm kinh tế, kích cầu sản xuất, tiêu dùng, cho vay hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ nông dân; quan tâm về an sinh xã hội... Đoàn công tác đánh giá cao về cố gắng của Vĩnh Phúc, mặc dù chịu tác động nặng nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Vĩnh Phúc đã có đủ nguồn lực để chủ động giải quyết khó khăn. Đoàn công tác cũng đề nghị Vĩnh Phúc tổng kết và nghiên cứu kinh nghiệm để nâng cao lên tầm lý luận, đóng góp cho đất nước cả về kinh tế và tư duy lý luận về những cách làm mới trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong công tác đền bù, GPMB, phát triển công nghiệp. Trong thời gian làm việc tại Vĩnh Phúc, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đi thăm Nhà máy cơ khí chính xác và Tập đoàn gạch PRIME.
BVP