Dịch cúm A/H1N1 hiện đã và đang có diễn biến khá phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, theo số liệu mới nhất vừa được công bố đến nay trên toàn thế giới đã có 29 nước có dịch cúm A/H1N1 với 4.379 trường hợp xác định dương tính với vi-rút cúm A/H1N1, trong đó 49 trường hợp tử vong.
Thực tế, mặc dù các biện pháp giám sát và ngăn ngừa đã được triển khai tối đa trên toàn thế giới, song số nước và khu vực trên thế giới công bố bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng.
“Cơn bão” cúm A/H1N1 tiếp tục “đổ bộ” vào nhiều nước
Mặc dù đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch song dịch cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, Tại Ba Lan, ngày 6/5 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Ba Lan đã xác nhận trường hợp nhiễm virus cúm A /H1N1 đầu tiên tại nước này sau khi các kết quả xét nghiệm cho thấy một phụ nữ 58 tuổi, trở về từ Mỹ, đã nhiễm virus. Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe Anh cũng xác nhận thêm 4 trường hợp mới nhiễm virus cúm A/H1N1, nâng số bệnh nhân nhiễm chủng virus này tại Anh lên 32 người trong số 390 trường hợp nghi nhiễm.
Trong số các nước có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thì Mê-hi-cô vẫn là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất: 45 trường hợp tử vong trong số 1.626 trường hợp mắc, tiếp đó là Mỹ: 2/2.254, Ca-na-đa: 1/280 và Cốt-xta Ri-ca: 1/8. Tại Mexico, Bộ trưởng Nông nghiệp ba nước đã chia buồn với những nạn nhân của dịch cúm A/H1N1 và khẳng định chính phủ ba nước cam kết làm hết khả năng có thể nhằm kiểm soát dịch bệnh này. Các bộ trưởng cho biết WHO, Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức quốc tế về bệnh dịch động vật (OIE) đã khẳng định ăn thịt lợn và những sản phẩm từ thịt lợn nấu chín không nguy hiểm đối với sức khỏe do virus cúm chết ở nhiệt độ hơn 70 độ C.
Theo các chuyên gia y tế nhận định, dịch cúm A/H1N1 vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế sẽ là không nhỏ. Dịch cúm A/H1N1 rất dễ xảy ra bởi vi-rút này có thể bám ở bề mặt các đồ gia dụng, cầu thang... trong khoảng thời gian dài, do đó khả năng lây nhiễm trên diện rộng là rất cao.
Cả nước vào cuộc “chống bão”
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống với mục tiêu không để dịch cúm A/H1N1 “lọt lưới” vào Việt Nam, không chỉ có lực lượng cán bộ y tế, lực lượng công an và bộ đội biên phòng và toàn thể nhân dân cũng đã vào cuộc, phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn, tăng cường khả năng phát hiện những người nghi ngờ nhiễm bệnh, đặc biệt là những người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch.
Cụ thể, trong những ngày qua, ngành Y tế đã tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ các nước có dịch, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1. Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống dịch xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố, cơ sở y tế, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường biện pháp kiểm dịch y tế tại khu vực biên giới, sân bay, nhà ga, các cơ sở y tế để giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời nếu có ca nhiễm đầu tiên và xử lý triệt để không để lây thành dịch.
Tại nhiều địa phương công tác chủ động đối phó với dịch cũng được khẩn trương tiến hành. Cụ thể, tại Lạng Sơn, để phòng chống dịch cúm A/H1N1, toàn bộ hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế tại Lạng Sơn đang ở trạng thái báo động 24/24 giờ, sẵn sàng kiểm soát, đối phó với dịch. UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các lực lượng chức năng quản lý biên giới tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và phòng ngừa dịch cúm lợn A/H1N1 có hiệu quả, không để xảy ra dịch lây lan sang người.
Tại Thanh Hoá,
để đối phó với dịch cúm lợn A/H1N1, tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và tiếp nhận thông tin về dịch bệnh theo số máy 0373.800.115 và 0373.853.240. Bên cạnh đó, Thanh Hoá tăng cường công tác kiểm soát người từ nơi có dịch vào Thanh Hoá qua 2 cửa khẩu Na Mèo và Nghi Sơn, thực hiện chế độ trực 24/24 giờ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã cấp thuốc cơ số thuốc hoá chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch đợt 1 cho các đơn vị với tổng trị giá gần 700 triệu đồng; trong đó bao gồm các thuốc, hoá chất, vật tư thiết yếu như: 520 viên Taminflu loại 75mg, 1.203 kg Cloramin B, 450 bộ trang phục phòng hộ, 764 khầu trang phòng độc...
Tại Hải Phòng:
Sở Y tế thành phố đã triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1, tập trung vào việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 ở người theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đơn vị trực thuộc.
Tại Tây Ninh tỉnh đã chi 2 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Hằng ngày ban kiểm dịch đều cập nhật thông tin về những quốc gia có người nhiễm cúm A/H1N1 báo cáo cho bộ đội biên phòng rà soát hộ chiếu hành khách có liên quan đến vùng dịch để thực hiện việc cách ly, kiểm tra.
Tại Hà Nội:
Được biết đến nay nhiều bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, bệnh viện đa khoa Hà Đông và Xanh-Pôn cũng đã sẵn sàng dành khoảng 200-300 giường bệnh phục vụ công tác phòng chống dịch. Tại 3 bệnh viện của Hà Nội là Đa khoa Đức Giang, Đống Đa và Bắc Thăng Long cũng đã chuẩn bị thêm 100 giường bệnh để kịp thời xử lý trong trường hợp có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Tính chung toàn thành phố, Hà Nội chuẩn bị khoảng 400 giường bệnh sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có bệnh nhân cúm A/ H1N1.
“Phòng thủ” tốt thì sẽ có thưởng
"Để tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1, trong thời gian tới cần phải kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, nhất là tại các cửa khẩu, sân bay, không để trường hợp nào mắc cúm A/H1N1 "lọt lưới". Nơi nào phòng thủ tốt thì sẽ có thưởng, còn ngược lại sẽ bị kiểm điểm, xử phạt" - Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Quốc Triệu đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho 8 tỉnh, thành phía Nam diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6-5 vừa qua.
Chủ động phát hiện và phóng, tránh cúm lợn (H1N1) là điều đặc biệt quan trọng, do vậy Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở y tế cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ngay ca bệnh xâm nhập để cách ly, xử lý kịp thời. Cử cán bộ trực 24/24, chuẩn bị sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để khống chế ngay những trường hợp mắc đầu tiên. Nếu phát hiện các chùm ca bệnh bất thường, đề nghị thông báo ngay cho y tế địa phương, các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để kịp thời phát hiện trường hợp đầu tiên, bao vây dập dịch không để dịch lây lan.
Đối với các địa phương có đường biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt đến từ các nước có dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, vật tư để thu dung, điều trị, các phòng cách ly, xử lý kịp thời khi có tình huống xấu.
Đồng thời Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng. Những người bị mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang. Đối với những người cần thiết phải đến những vùng có dịch, hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh và luôn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
Việt Nam hiện đã và đang có nhiều biện pháp để phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trên phạm vi cả nước, công tác tập huấn về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị cúm A/H1N1 cùng với công tác tuyên truyền cũng đã và đang được đẩy mạnh. Việc phối hợp chặt chẽ với WHO trao đổi thông tin và đề nghị WHO hỗ trợ thuốc, mẫu bệnh phẩm, vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1) cũng được triển khai với hiệu quả cao nhất. Với sự chủ động đối phó, mong rằng, dịch cúm A/H1N1 sẽ không thể “lọt lưới” vào Việt Nam.
Theo Báo ĐCSVN