Nửa đầu năm 2025 đã sắp trôi qua, để lại nhiều cột mốc ấn tượng đối với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng du lịch vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng thì ngành Du lịch được thanh, kiểm tra sát sao để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành kế hoạch khởi động đợt kiểm tra quy mô lớn trong năm 2025, tập trung vào các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hướng dẫn viên và cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch trên toàn quốc. (Ảnh: TTXVN)
Dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng du lịch
Theo số liệu từ Cục Thống kê công bố ngày 6/5, tính chung cả 4 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 7,67 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, lượng khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ những thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nga,... Các chuyến bay thẳng, ưu đãi về visa cho khách nước ngoài là một trong những điểm cộng giúp Việt Nam thu hút khách du lịch ngoại quốc. Đặc biệt, sắp tới Việt Nam đang có nhiều thị trường khách inboud (quốc tế) tiềm năng như du khách tới từ các quốc gia Trung Đông với thu nhập cao, sẵn sàng chi trả cho các tour du lịch hạng sang. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ của một số tỉnh, địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch của du khách.
Mới gần đây nhất, Thanh tra Sở VH,TT&DL TP Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra liên quan đến việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số khách sạn có hành vi hiển thị hình ảnh hạng sao không đúng thực tế trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến. Cụ thể, có bốn khách sạn tại Đà Nẵng bị yêu cầu liên hệ các nền tảng như Agoda, Booking để gỡ bỏ hình ảnh ngôi sao gắn cạnh tên khách sạn vì chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng sao hoặc đã hết hiệu lực công nhận.
Thực tế cho thấy, mặc dù các điểm đến ở Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Nhưng, vẫn còn đó mặt hạn chế cần phải khắc phục như chất lượng khách sạn tương ứng với lời quảng cáo giới thiệu, hướng dẫn viên du lịch cần có vốn ngoại ngữ, văn hóa lịch sử tốt, hay công ty du lịch - lữ hành phải bảo đảm khách du lịch có chuyến hành trình hài lòng nhất.
Kiểm tra toàn diện doanh nghiệp lữ hành, khách sạn
Năm 2025, chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch trên toàn thế giới. Du khách Việt Nam và quốc tế có nhiều lựa chọn hơn. Ngay từ đầu mùa du lịch hè, có thể thấy, sự sụt giảm của khách quốc tế đến nước ta. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa đang có xu hướng chọn những điểm đến mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Để thu hút khách du lịch, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên đẹp, sản phẩm du lịch mới mẻ, công tác truyền thông tốt, thì việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ cần được các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện.
Thực tế, hiện nay, mặc dù ngành Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn đối mặt với thách thức như chất lượng dịch vụ không đồng đều, tình trạng quảng bá sai sự thật, vi phạm pháp luật trong kinh doanh lữ hành và lưu trú, ảnh hưởng đến trải nghiệm du khách và hình ảnh du lịch quốc gia. Mới đây, Bộ VH,TT&DL ban hành kế hoạch khởi động đợt kiểm tra quy mô lớn trong năm 2025, tập trung vào các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hướng dẫn viên và cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, các đối tượng kiểm tra bao gồm Sở Du lịch, Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khu du lịch, điểm du lịch, hướng dẫn viên đang hành nghề, cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ và cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao, đặc biệt chú ý những nơi quảng bá sai chất lượng, niêm yết không đúng hạng sao hoặc tự phong sao khi chưa được công nhận.
Theo baophapluat.vn
https://baophapluat.vn/tang-cuong-kiem-tra-de-nang-cao-chat-luong-du-lich-post548304.html