Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, hiện nay, nhiều địa phương đã tiến hành kiểm soát và chuẩn bị hàng hóa phục vụ bà con.
Hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra tình trạng tiểu thương buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh rất lớn. Chi cục thú y Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh để phòng chống kịp thời. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán giết mổ và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Hà Tĩnh hiện mới có ba lò giết mổ gia súc tập trung ở thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và xã Thạch Tân huyện Thạch Hà, một chợ giết mổ gia cầm tập trung. Số gia súc, gia cầm ở đây được kiểm tra chặt chẽ trước khi giết mổ và đưa đi tiêu thụ. Từ đầu tháng 12/2009 đến nay, Chi cục thú y Hà Tĩnh đã kiểm tra, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật trên 1.200 con trâu, bò, dê, cừu; hơn 10.000 con lợn và hàng ngàn con gia cầm; 280.000 quả trứng gia cầm. Công tác cấp hồ sơ chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được triển khai nghiêm túc, kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Chi cục thú y Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi che chắn chuồng trại, đảm bảo phòng chống rét và đủ điều kiện vệ sinh, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tổ chức các đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh.
* Qua kiểm tra 10.234 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vu ăn uống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có 6.348 cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chiếmtỷ lệ 62,03%. Đặc biệt, qua kiểm tra 3.425 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, chỉ có 1.611 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm` tỷ lệ 47,04%. Trước tình hình chất lượng VSATTP kém, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các huyện, thị trong tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra về điều kiện đảm bảo ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó, các địa phương tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với các vùng trồng rau, củ, quả; việc sử dụng thuốc thú y, hoá chất tăng trọng tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở giết mổ; việc sử dụng urê, hàn the, hoá chất cấm để bảo quản thuỷ sản khai thác; điều kiện vệ sinh cơ sở chế biến thuỷ sản, đặc biệt đối với cơ sở sản xuất thuỷ sản khô; tập trung kiểm tra lấy mẫu phân tích ATVSTP đối với thực phẩm nông, thuỷ sản, đặc biệt là lấy mẫu kiểm tra sản phẩm thịt, rau, quả và thuỷ sản tại chợ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm quy định về đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản; đình chỉ đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm soát chặt chẽ về ATVSTP đối với thực phẩm có nguồn gốc từ thực phẩm nhập khẩu, trong đó tập trung vào các sản phẩm rau, quả nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới. Lực lượng thú y phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y ở các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến, đóng gói thịt và sản phẩm từ thịt; kiểm soát chặt chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; việc tuân thủ các quy định về ATVSTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại địa phương.
* Hiện nay, thị trường hoá tết ở Tuyên Quang đã bắt đầu sôi động với nhiều mặt hàng phong phú về mẫu mã, chủng loại. Đây là thời điểm các đối tượng kinh doanh lợi dụng để sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm lừa đảo người tiêu dùng, thu lợi nhuận bất hợp pháp. Nhận thức được mức độ nguy hiểm đó, Chi cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đang chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc lưu thông các thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc nhập khẩu đến lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm không thực hiện đúng quy định về bao bì, nhãn mác, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng được xử lý kịp thời. Ngoài ra, thông qua hệ thống loa phát thanh đặt tại trung tâm các chợ để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, không nên ham rẻ mà sử dụng những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2009, Chi cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính gần 200 cơ sở sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
* Để góp phần bình ổn giá cả thị trường, phục vụ nhân dân mua sắm Tết được thuận lợi, tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị 80 tỷ đồng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Trong đó, tập trung vào 10 mặt hàng thiết yếu như gạo tẻ 1.350 tấn, gạo nếp 215 tấn, bia các loại 572.000 chai/lon, rượu các loại 141.000 chai, dầu thắp sáng 40 tấn, bánh kẹo các loại 200 tấn, dầu ăn 360.000 lít, muối iốt 1.500 tấn, đường kính 960 tấn, nước mắm 30.000 lít. Cũng chuẩn bị cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An có đủ vật chất đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm, ngay từ quý IV/2009, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phát triển miền núi đã tập trung huy động vốn, khai thác nguồn hàng và tổ chức vận chuyển lên vùng cao. Lượng hàng hoá phục vụ Tết năm nay cho 10 huyện miền núi gồm 1.000 tấn muối Iốt, 25 tấn dầu thắp sáng, 500.000 lít xăng, dầu và 300 lít dầu ăn cùng nhiều mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia rượu, thuốc lá, gạo, nếp, hàng công nghệ phẩm, quần áo may mặc sẵn, dụng cụ gia đình. Ngoài ra, Công ty còn lên kế hoạch tổ chức thu mua và tiêu thụ hết các mặt hàng do đồng bào dân tộc miền núi sản xuất ra như bí xanh, khoai sọ, gừng. T rong dịp này, Nghệ An tổ chức 11 hội chợ ở Thành phố Vinh và trung tâm các huyện. Tiến hành chọn một số doanh nghiệp có tiềm lực giữ vai trò đầu mối, tập hợp nguồn hàng của nhiều cơ sở sản xuất tổ chức từ 10 đến 15 xe chở hàng bán lẻ lưu động đưa hàng Việt về huyện bán lẻ cho người tiêu dùng./.
Theo TTXVN