Công cuộc đổi mới ở nước ta diễn ra đã 24 năm (1986-2010), đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, một thành tựu lớn là Ðảng và nhân dân ta nhận thức về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng rõ hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đã phác họa mô hình CNXH mà nhân dân ta xây dựng với sáu đặc trưng. Ðại hội lần thứ X bổ sung, phát triển, làm cho mô hình CNXH đang được xây dựng ở nước ta toàn diện hơn, hoàn chỉnh hơn. Ðó là: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triểntoàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới".
Mô hình CNXH nêu trên thể hiện quan điểm Mác - Lê-nin về CNXH. Một mặt, lấy phục vụ con người làm mục đích, tức là "tất cả vì con người". Mặt khác, lấy việc phát huy sức mạnh của con người làm động lực chủ yếu để xây dựng thành công CNXH, tức là "tất cả do con người". Ðồng thời, mô hình trên cũng thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH. Mô hình ấy biểu hiện như một kết cấu tổng thể, ổn định tương đối, nó không phải là một mô hình khép kín và cứng nhắc. Mô hình CNXH thời kỳ đổi mới ở nước ta chứa đựng khả năng mở rộng nội hàm, tiếp tục bổ sung những nét mới là kết quả của việc không ngừng nâng cao trình độ lý luận và tổng kết thực tiễn phong phú, đa dạng. Nó là kết quả của sự kết hợp hài hòa cái phổ biến và cái đặc thù, cái chung và cái riêng để tạo nên một mô hình có tên gọi: mô hình CNXH Việt Nam. Nó thể hiện xu hướng gắn kết hợp lý tiến trình phát triển của CNXH với sự vận động không ngừng của nhân loại đi lên phía trước, kế thừa những thành tựu tiến bộ của loài người để xây dựng thành công CNXH.
Thực tế 24 năm qua đã chứng minh, với mô hình này, chúng ta đã thu được những thành tựu, to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thời điểm hiện nay đã có yêu cầu bức thiết và những điều kiện cơ bản đã chín muồi cho việc bổ sung phát triển Cương lĩnh trong đó có mô hình CNXH của nước ta.
Lãnh đạo công cuộc đổi mới, nhận thức của Ðảng về con đường quá độ lên CNXH của nước ta có những đổi mới sâu sắc. Nếu trước đây thường nói, nước ta quá độ lên CNXH "bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa", thì từ Ðại hội lần thứ IX trong các văn kiện chính thức của Ðảng, Nhà nước diễn đạt là: Nước ta quá độ lên CNXH "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa".
Việc "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa" được giải thích rõ về hai phương diện: Thứ nhất, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) là "bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa". Thứ hai, trong khi bỏ qua những mặt đó, cần "tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học-công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại".
Nhận thức trên đây là kết quả của sự đổi mới tư duy về CNXH, về mối quan hệ giữa CNXH và CNTB. Tư duy "cũ" hiểu sự ra đời của CNXH là kết quả của sự phủ định triệt để CNTB, từ đó có nơi có lúc cho rằng cái gì càng xa với CNTB thì càng gần với CNXH. Tư duy mới phân biệt sự khác nhau về chất giữa CNXH và CNTB, nhưng đặt CNXH và CNTB vào lịch trình chung của sự tiến hóa nhân loại qua năm hình thái kinh tế - xã hội để xác định vị trí của CNTB như là một giai đoạn phát triển cao của văn minh nhân loại và là nấc thang cận kề để loài người từ đó bước sang nấc thang cao hơn là CNXH.
Trong thời đại ngày nay, trên phạm vi thế giới, sự nghiệp giải phóng những người lao động bị áp bức, bóc lột, sự nghiệp giải phóng xã hội khỏi tình trạng bế tắc đòi hỏi thay thế CNTB bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn. Sự phủ định CNTB là một tất yếu lịch sử và đã thành hiện thực từ Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (1917). Dù hiện nay CNXH thế giới đang lâm vào khủng hoảng, xu hướng đó không hề thay đổi.
Ở nước ta tiến trình của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân kéo dài 30 năm đã đem lại những thành tựu to lớn, tạo nên những tiền đề để nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Những thành tựu và những tiền đề đó (nhất là những thành tựu trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc thượng tầng và những tiền đề về chính trị, xã hội), không dung nạp sự thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN. Thậm chí, những thành tựu đó sẽ bị hủy hoại, những tiền đề đó sẽ bị phủ định, nếu đất nước đi theo con đường TBCN.
Nước ta cần "tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản" bởi vì:
Một là, "bỏ qua" chế độ TBCN nhưng nước ta vẫn phải tôn trọng quá trình lịch sử - tự nhiên của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, đặc biệt, phải tôn trọng quá trình lịch sử tự nhiên của lực lượng sản xuất, của các nhân tố kinh tế - kỹ thuật mà xét đến cùng là những nhân tố quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của chế độ mới.
Hai là, từ một nước chậm phát triển, bằng "con đường rút ngắn" đi lên CNXH, tất yếu nước ta phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài trong đó có sự xen kẽ "những mảnh của chủ nghĩa xã hội" với "những mảnh của CNTB" (Lê-nin). Trạng thái xen kẽ ấy làm cho các yếu tố của CNXH và các yếu tố của CNTB vừa đấu tranh với nhau, vừa "chung sống hòa bình", vừa bài trừ, vừa nương tựa, thâm nhập vào nhau.
Ba là, nước ta "bỏ qua" chế độ TBCN nhưng không thể bỏ qua quá trình phát triển có tính quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn mà CNTB đã từng trải qua: sản xuất hàng hóa; tiến hành cách mạng kỹ thuật - theo nhu cầu phát triển biện chứng của kỹ thuật trong hiệp tác giản đơn, công trường thủ công, đại công nghiệp cơ khí - để chuyển lao động thủ công thành lao động sử dụng máy móc; mở rộng giao lưu trong nước và giao lưu quốc tế, khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ và tư tưởng phong kiến...
Bốn là, "bỏ qua" chế độ TBCN nhưng phải kế thừa những thành tựu tiến bộ mà loài người tạo ra trong chế độ CNTB. Sau khi "bỏ qua" phần lạc hậu của CNTB (địa vị thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN), chúng ta cần tiếp thu những thành tựu của CNTB và sử dụng chúng vào mục tiêu xây dựng CNXH. "Bỏ qua" chế độ TBCN, nhưng đồng thời sử dụng những thành quả văn minh trong CNTB một cách chủ động và tự giác, chọn lọc kỹ lưỡng trong điều kiện mới - điều kiện có nhà nước XHCN và với chủ thể mới là nhân dân lao động.
Nhận thức mới của Ðảng ta về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH đã được thể hiện nhất quán. Sự nhất quán đó sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho hệ thống quan điểm lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta đã bắt đầu hình thành và sẽ từng bước được bổ sung, hoàn thiện.
Thành tựu đó có ý nghĩa lớn nhưng vẫn là bước đầu.Vì, một mặt, nó cần được nâng lên trình độ cao hơn về lý luận để trở thành một triết lý, hay nói cách khác - một bộ phận chủ đạo trong chủ thuyết chung của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta; mặt khác, nó phải được mở rộng sang mọi phương diện và các lĩnh vực quan trọng của công cuộc xây dựng CNXH mà Nghị quyết của các Ðại hội Ðảng đã nêu thành nhiệm vụ trực tiếp và đang được quan tâm sâu sắc. Thí dụ: vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất XHCN chủ yếu dựa trên chế độ công hữu từ một nền kinh tế đa thành phần, đa sở hữu hiện nay; vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh của thời kỳ khoa học-công nghệ bùng nổ và xuất hiện kinh tế tri thức, đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo con đường xã hội chủ nghĩa; vấn đề xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN, trong đó mấu chốt là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, kết hợp những giá trị dân tộc truyền thống với những tinh hoa của nền văn minh hiện đại; vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập và phải đối mặt với những thách thức từ nhiều phía...
Ðiều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ nói trên là: Kiên định nền tảng tư tưởng của Ðảng, tiếp tục kế thừa và phát triển những kết quả nhận thức về mô hình và con đường đi lên CNXH ở nước ta và luôn bám sát thực tiễn, coi trọng việc tổng kết thực tiễn đổi mới của đất nước trong bối cảnh thế giới luôn có những thay đổi.
TheoNhanDan Online