Cập nhật: 11/02/2010 05:41:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày giáp Tết, hàng trăm nghìn phần quà được các đoàn công tác chuyển đến tận tay đồng bào nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Quà không thật nhiều, nhưng đủ hương vị ngày xuân như bánh, mứt, kẹo, đường, bột ngọt, dầu ăn... và tiền. Nhưng trên hết, đó là trách nhiệm, nghĩa tình mà đảng bộ, chính quyền, MTTQ các cấp, doanh nghiệp muốn chung vai gánh bớt một phần khó khăn cùng đồng bào nghèo mỗi khi Tết đến, xuân về.

 

Mang Tết đến với đồng bào Tây Nguyên

 

Tại trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh Ðác Lắc, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, cán bộ Ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh nói với tôi: Từ đầu tháng Chạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền, MTTQ các địa phương nhanh chóng rà soát, lên danh sách các hộ nghèo, gia đình khó khăn để kịp thời trợ giúp bà con ăn Tết, kiên quyết không để bất cứ hộ dân nào không có Tết. MTTQ tỉnh vừa cử đoàn cán bộ đi thăm, tặng 460 phần quà Tết, mỗi phần trị giá 300 nghìn đồng cho đồng bào nghèo các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Bông bị ảnh hưởng các cơn bão số 9, 11. Tiếp theo Krông Bông, đoàn phối hợp với MTTQ thành phố Hồ Chí Minh  thăm tặng gần 1.000 phần quà nữa cho đồng bào các huyện khác trong tỉnh.

 

Cầm trong tay gói quà gồm bánh, mứt, kẹo, đường, dầu ăn, bột ngọt... và 200 nghìn đồng, chị H'Rưnk, dân tộc Ê Ðê, ở buôn Dăk, xã Cư M'ta, huyện M'Ðrắc, cho hay: "Mấy hôm nay mình lo không biết lấy gì ăn Tết. Nay có quà, có tiền của Nhà nước cho, nhà mình có Tết rồi. Mừng quá". Chồng chị H'Rưnk chết cách đây ba năm, một mình chị nuôi sáu con nên đời sống khá khó khăn. Nhà chị có rẫy, lại thêm hai sào ruộng. Bình thường, làm hai sào ruộng cho đủ gạo ăn cả năm, sản phẩm từ rẫy cùng với làm thêm cũng đủ chi phí sinh hoạt tằn tiện trong nhà. Thế nhưng hai cơn bão số 9 và 11 quét qua địa bàn huyện làm mái ngói nhà chị bay mất,  ruộng lúa đang kỳ trổ bông bị dập nát. Mái nhà thì chính quyền  huyện, xã đã giúp lợp lại. Còn lúa, đến vụ chỉ thu được hai bao (khoảng 100 kg) nên tìm cái ăn hằng ngày quá vất vả, lấy đâu ra tiền mà lo sắm Tết. Xã Cư M'ta có 200 gia đình được tặng quà, bà con đều là những người chịu thiệt hại nặng do bão, mất nhà, mất lúa... Do vậy, những gói quà mà Ủy ban MTTQ trao tặng, không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn hàm chứa cả sự cảm thông, chia sẻ với đồng bào trong lúc khó khăn.

 

Krông Jing cũng là xã bị thiệt hại nặng do bão. Chỉ riêng buôn Kchoa có 78 hộ thì hai hộ bị bão làm sập nhà, 18 hộ khác bị bay mái, xiêu vẹo; diện tích lúa mất đến 70 - 80%, cái đói rình rập người dân ngay từ sau ngày thu hoạch lúa. Ðưa 18 hộ trong thôn đi nhận quà do MTTQ, chính quyền trao tặng, anh Y Băng, Phó buôn cho biết, ngay sau khi bão tan, với sự giúp đỡ của chính quyền và bà con trong buôn, tất cả những hộ có nhà bị hư hại đều đã được sửa chữa lại. Hai hộ nhà bị sập được Nhà nước trợ giúp mỗi căn hai triệu đồng. Lúa đã cấy lại, sắp gặt nên cũng bớt đi phần lo thiếu đói. Hỏi anh có tên trong danh sách được nhận quà không, anh Y Băng nói ngay: Nhà mình cũng khó nhưng so với những gia đình khác trong buôn thì đỡ hơn. Nên mình không nhận, dành cho người khác. Y Băng khoe, ngoài lúa, bà con trong buôn còn nuôi bò, heo, gà. Nhiều nhà có rẫy cà-phê, đời sống vật chất, tinh thần hơn trước nhiều lắm.

 

Chia sẻ khó khăn với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ngoài các đợt cứu trợ ngay sau khi bão tan, MTTQ thành phố Hồ Chí Minh vận động các tầng lớp nhân dân trong  thành phố đóng góp hàng tỷ đồng chung tay lo Tết cùng những gia đình đồng bào bị nạn. Riêng tại tỉnh Ðác Lắc, MTTQ  thành phố dành 1.000 phần quà, cử đoàn cán bộ đến tận buôn, làng thăm hỏi, động viên chúc Tết và tặng những gói quà tình nghĩa, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền địa phương chăm lo để  đồng bào hưởng Tết trọn vẹn, ấm áp.

 

Cùng nông dân đón Tết

 

Không khí Xuân đã đến với bà con nông dân ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Tết này, hơn 130 hộ nông dân ở nơi xa nhất trong vùng Ðồng Tháp Mười được vui xuân trọn vẹn: Lúa trên đồng xanh mướt, báo hiệu một vụ trúng mùa. Thêm vào đó, Lễ hội mang tên "Cùng nông dân đón Tết" hoành tráng với các nghi thức cúng Thần Nông; liên hoan, ca nhạc, giao lưu... được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện cùng Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp tổ chức. Vui hơn hết là trong lễ hội, cận ngày ông Táo về trời, Công ty Lương thực Long An về tận ấp ký hợp đồng thu mua hết lúa cho nông dân với giá sàn 4.000 đồng/kg. Công ty Lương thực Long An cam kết, ở thời điểm bán ra, nếu giá thị trường cao hơn, Công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường từ 150 đến 200 đồng/kg lúa.

 

Ấp Hương Trang là địa phương đang thực hiện mô hình "Cùng nông dân ra đồng" do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp UBND tỉnh Long An, các nhà khoa học và nông dân trong ấp tham gia. Theo mô hình này, ngoài việc cung ứng vật tư nông nghiệp theo giá gốc suốt mùa vụ, khi thu hoạch, bán xong mới thu tiền. Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang còn cử lực lượng cán bộ khoa học trẻ về tận xóm ấp, cùng ăn, cùng ở và cùng nông dân ra đồng canh tác. Có cán bộ kỹ thuật bám ruộng, bám dân, mọi khúc mắc của nông dân về quy trình kỹ thuật canh tác mới, nhất là kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đều được giải đáp ngay tại ruộng. Kỹ sư Văn Công Của, cán bộ kỹ thuật trẻ tham gia mô hình, cho biết, nhóm cán bộ kỹ thuật đang hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác mới nhất là "một phải, năm giảm". "Một phải" là phải sử dụng giống lúa được xác nhận nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. "Năm giảm" là giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới (trong từng thời điểm) và giảm thất thoát sau thu hoạch. Với quy trình này, tiền đầu tư cho một đơn vị diện tích lúa giảm 30%, năng suất lại cao hơn từ 15 đến 20%. Tính ra tiền thì mỗi héc-ta, lợi nhuận nông dân thu được tăng hơn từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Sau ba năm thực hiện, đến nay chương trình "Cùng nông dân ra đồng" đã được nhân rộng tại 1.701 điểm, 39 mô hình tập trung với tổng diện tích 3.200 ha và 2.700 hộ nông dân tham gia.

 

Hướng về nông dân, Tết năm nay Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang mua 80.000 phần quà với tổng trị giá 16 tỷ đồng tặng: nông dân nghèo ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trao quà, chúc Tết nông dân nghèo ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, Giám đốc Công ty, Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn nói với bà con, những phần quà được trao là một phần lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh, là tấm lòng của cán bộ, công nhân công ty muốn chia sẻ khó khăn với nông dân nghèo trong ngày Tết cổ truyền.

 

Mùa xuân mới đang về. Bằng những việc làm thiết thực,  các cấp chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp góp phần mang lại niềm vui cho tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn khi Tết đến.

 

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm