Sáng 24/4 hàng nghìn người dân đồng bằng sông Cửu Long đã đổ về cầu Cần Thơ để chứng kiến giây phút lịch sử: khánh thành và thông xe. Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam.
Thủ tướng đã trực tiếp nhấn còi phát lệnh thông xe cầu Cần Thơ. Từ nay, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể giao thương hai bờ sông Hậu bằng cây cầu dây văng này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nói: "Cầu Cần Thơ đã nối mạch giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long, giúp người dân hai bên bờ sông Hậu đi lại dễ dàng, tạo sức bật cho giao thương và phát triển kinh tế khu vực".
"Chúng tôi mong đợi đã lâu, nay mới được đi trên cây cầu bắt qua sông Hậu chứ không còn phải lụy phà nữa", cụ ông Lê Văn Kim, từ ấp Văn Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, vượt cả trăm cây số đến Cần Thơ để được đi trên cây cầu trong ngày khánh thành, bộc bạch.
Những chuyến phà qua lại gần 100 năm nay sắp trở thành dĩ vãng. Một buổi lễ tiễn phà về với quá khứ cũng được Ban quản lý dự án cầu Cần Thơ tổ chức ngay sau lễ thông cầu, để ghi nhớ công lao của những chuyến phà đã ngày đêm xuôi ngược trên dòng Hậu Giang.
Cầu Cần Thơ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m). Chiều dài toàn cầu 15 km, rộng 23,1 m; gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Cầu có tĩnh không thông thuyền cao 39 m, đảm bảo cho tàu trọng tải 10.000 DWT qua lại.
Buổi lễ kết thúc, hàng nghìn người đi bộ ùa lên cầu để được là những người đầu tiên đứng trên cây cầy dây văng lớn nhất Đông Nam Á để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Hậu (khác với khi đi phà) và làn gió mát lồng lộng của vùng sông nước Cửu Long.
Trong quá trình xây dựng cầu, vào ngày đen tối 26/9/2007, 54 công nhân đã tử nạn khi hai nhịp dẫn nặng hàng nghìn tấn của cầu Cần Thơ bất ngờ đổ sập, hàng chục người khác bị thương. Sự cố này được xem như tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường Việt Nam.
Theo VnExpress