Cập nhật: 12/06/2010 17:45:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi 30% trở lên; bình ổn giá vật tư nông nghiệp, giá nông sản; cho thuê đất trồng rừng… là những vấn đề “nóng” được nhiều ĐB QH chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát sáng 11/6.

Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB QH) về nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng đây là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cũng là đương nhiên.

 

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và đã có Nghị quyết tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ các đề án trong chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án cấp bách.

 

Chính phủ có chủ trương huy động các nguồn lực để phấn đấu thực hiện 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và 25% vào năm 2020.

 

 Chính phủ nhất quán: Người trồng lúa có lãi ổn định 30%

 

Vấn đề ĐB Hồ Thị Thu Hằng, (Vĩnh Long) và một số ĐB khác nêu là làm sao đảm bảo nông dân có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, giúp người nông dân trồng lúa được lãi ổn định 30% trở lên là chủ trương nhất quán của Chính phủ.

 

Do vậy, trong điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để vừa tạo điều kiện cho nông dân tăng năng suất, giảm chi phí trồng trọt, bảo quản sơ chế, vừa duy trì giá bán lúa có lợi cho nông dân cả trước mắt và lâu dài.

 

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2009-2010 trung bình từ 2.600-3.000 đ/kg. Với giá lúa trên thị trường khoảng 4.000 đ/kg, mức lãi của nông dân đã đạt gần 30% , Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn chứng.

 

Hiện nay, lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch rộ, nông dân rất cần bán được lúa ngay. Bộ NNPTNT đang phối hợp với các bộ liên quan theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có chỉ đạo phù hợp.

 

Cho thuê đất trồng rừng: Địa phương xem xét chưa thấu đáo

 

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn việc này có tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và có xem xét tổng thể trong mối quan hệ với các yếu tố về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng hay không?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo báo cáo, hiện có 10 địa phương có văn bản chấp thuận đầu tư hơn 300.000 ha đất cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng (trên thực tế đã giao 15.000 ha đất cho nhà đầu tư nước ngoài để trồng rừng).

 

Việc chấp thuận các dự án đầu tư trồng rừng này cơ bản là đúng quy định pháp luật và đã xem xét trong mối quan hệ tổng thể với các yếu tố kinh tế-xã hội. Song đây chỉ là việc chấp thuận đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận đầu tư nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ diện tích hơn 300.000 ha được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trên cơ sở chấp thuận đầu tư, các nhà đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương để khảo sát từng khu đất cụ thể trước khi được giao đất, trong đó có tính tới các yếu tố như diện tích đó có thuộc rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn, rừng có chủ, có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh và các điều kiện khác hay không, Bộ trưởng Cao Đức Phát trình bày.

 

Việc xem xét cho thuê đất cũng như chấp thuận các dự án đầu tư được phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên cũng có địa phương đã chấp thuận đầu tư vượt quy mô so với thẩm quyền, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận.

 

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, việc phân cấp, trao thẩm quyền cho các địa phương ký kết các dự án hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài là một chủ chương đúng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, thực hiện công tác quản lý nhà nước tốt hơn.

 

Tuy nhiên trong phâp cấp, một số địa phương chưa xem xét thấu đáo, toàn diện các khía cạnh liên quan như đã nói ở trên … Do đó, đã xuất hiện những bất cập mà gần đây nhất là các dự án sân golf, dự án khai thác khoáng sản. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng là một ví dụ…

 

Vì vậy, cũng như các dự án về sân golf, khai thác khoáng sản, hướng xử lý theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là các dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng khi rà soát, cân nhắc đến các yếu tố liên quan nếu thấy bất cập  là kiên quyết rút giấy phép đầu tư.

 

Xây dựng thương hiệu nông sản cần nhiều nỗ lực

 

ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam còn chậm chễ và cần có biện pháp khắc phục tình trạng này.

 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NNPTNT đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp thấy rõ vai trò của xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phát triển bền vững.

 

Năm 2010 Bộ NNPTNT đang tổ chức giới thiệu các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam có uy tín với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

 

Trên thực tế đã bắt đầu xuất hiện một số thương hiệu của Việt Nam làm nòng cốt nâng cao uy tín sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, số thương hiệu có uy tín cao của Việt Nam chưa nhiều. Việc xây dựng thương hiệu là vấn đề phức tạp, cần nỗ lực lớn và lâu dài của doanh nghiệp và Nhà nước.

 

Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trực thuộc hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện chủ trương này.

 

Doanh nghiệp làm sai phải xử  lý nghiêm

 

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải trình làm rõ nguyên nhân giá muối bị sụt giảm thời gian gần đây. Chia sẻ những khó khăn của bà con diêm dân khi giá muối sụt giảm, có thời điểm sụt giảm tới 40 – 50% so với nhiều năm trước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay ở nước ta vẫn cho nhập khẩu muối gồm muối nhập khẩu có hạn ngạch và ngoài hạn ngạch phục vụ sản xuất công nghiệp.

 

Tuy nhiên thời gian qua, một số cơ sở nhập khẩu muối có pha trộn và đưa ra thị trường đã làm ảnh hưởng tới giá bán của thị trường muối trong nước.

 

Trước tình hình này, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ cho tạm dừng nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch, đồng thời kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ muối để hỗ trợ diêm dân khi muối bị rớt giá. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp nhập khẩu muối tiêu thụ trên trị trường trong nước không đúng mục đích.

 

Về việc tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp theo đề xuất của một số đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung kiểm tra chất lượng, giá cả vật tư nông nghiệp trên toàn quốc nhằm ngăn chăn kịp thời và nghiêm khắc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, cũng như tệ đầu cơ bán phá giá thị trường...

 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, 25 câu hỏi chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu rõ nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm cũng như thẳng thắn nhìn nhận những việc chưa làm được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục rà soát những vấn đề mà các ĐB QH đề cập để có biện pháp xử lý và giải quyết hiệu quả.

 

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm