Cập nhật: 14/06/2010 23:48:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong buổi chất vấn của các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tập trung vào các nhóm vấn đề: tổ chức, quản lý lễ hội; bảo vệ di tích và di sản văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Nhiều ĐBQH cho rằng, hiện nay lễ hội được tổ chức tràn lan ở các địa phương, nhưng đáng lo ngại là nhiều lễ hội mang tính phô trương, nhiều lễ hội bị biến tướng “buôn thần bán thánh”.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phụ Đông (đoàn Bắc Ninh) chất vấn, các trò chơi, phim ảnh không lành mạnh đã tác động xấu đến tư tưởng, lối sống của học sinh, thanh niên. Bộ trưởng đánh giá tình hình này như thế nào? Trách nhiệm quản lý của ngành ra sao? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, nước ta đang hội nhập sâu rộng nên khó tránh khỏi những văn hóa độc hại tràn vào. Công tác tuyên truyền giáo dục ở các cấp, các ngành chưa tốt. Các văn bản pháp luật cũng chưa quy định mức xử phạt thích đáng… Vấn đề này cần được giải quyết thấu đáo thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: tăng cường giáo dục pháp luật trong nhà trường, gia đình, cơ quan; lên án mạnh mẽ các hành vi phi đạo đức; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng lối sống văn hóa…

 

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phụ Đông đề nghị Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm, trong phạm vi của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra và xử lý các quảng cáo trái phép; kiểm duyệt và không cấp giấy phép các loại hình nghệ thuật biểu diễn không đáp ứng các yêu cầu và sắp tới sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn…

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), từ đầu nhiệm kỳ đến nay Bộ trưởng đã ban hành bao nhiêu quy định, chỉ thị, thông tư hướng dẫn để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước? Xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm để chấn chỉnh những biểu hiện sai trái trong các hoạt động văn hóa? Trong việc thu hồi các quyết định và giấy phép do chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp thì nguyên nhân là gì, trách nhiệm thuộc về ai?

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, ngoài kế thừa các văn bản pháp luật được các Bộ trưởng trước ban hành, Bộ trưởng đã tham mưu xây dựng 3 dự thảo Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh và Luật Sở hữu trí tuệ; tích cực ban hành nhiều văn bản pháp luật khác. Bộ trưởng cũng xin nhận trách nhiệm trong việc thu hồi các giấy phép, quyết định do chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp là do việc nghiên cứu chưa kỹ, chưa sát.

 

Liên quan đến cuộc vận động toàn dân xây dựng lối sống văn hóa, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Bình (đoàn Cao Bằng) chất vấn, đến nay gần 60% thôn, bản vẫn chưa có nhà văn hóa, hoặc có nhưng được trang bị sơ sài, nên ít phát huy được hiệu quả và vai trò của nhà văn hóa đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Bộ trưởng có quan tâm tới vấn đề này không?

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù nhà nước đã dành khoảng 1,7% ngân sách đầu tư cho văn hóa nhưng vì có gần 100.000 thôn, bản nên không thể hỗ trợ hết. Thực tế, có những tỉnh hỗ trợ thôn, bản xây dựng nhà văn hóa bằng ngân sách nhà nước, nhưng cũng có tỉnh do kinh phí hạn hẹp nên người dân tự góp của cải để làm hoặc chính quyền địa phương kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ.

 

Về việc tổ chức lễ hội tràn lan khiến dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) chất vấn, hiện nay lễ hội được tổ chức tràn lan ở các địa phương, nhưng đáng lo ngại là nhiều lễ hội mang tính phô trương, nhiều lễ hội bị biến tướng “buôn thần bán thánh”. Bộ trưởng có thể cho biết tổng chi phí tổ chức các lễ hội năm 2009? Phương thức quản lý các lễ hội này như thế nào và Bộ trưởng có giải pháp gì để tổ chức, quản lý lễ hội tốt hơn?

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, hiện chưa có con số chính xác về tổng chi phí cho các lễ hội năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành kiểm kê, phân loại và tổng kết các lễ hội; và sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thống kê đầy đủ chi phí tổ chức lễ hội.

 

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, để tổ chức, quản lý các lễ hội tốt hơn, cần nâng cao nhận thức của các ngành, những người quản lý; đổi mới cách tuyên truyền giáo dục. Đổi mới phương thức quản lý lễ hội theo hướng nhà nước chỉ đạo, điều hành và kiểm tra; còn nhân dân tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh xã hội hóa lễ hội, nhưng không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý nhà nước mà nhà nước phải luôn giữ vai trò quản lý của mình…

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm