Cập nhật: 16/06/2010 23:48:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong đào tạo báo chí. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như đời sống và chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên vẫn còn rất eo hẹp; chưa thu hút được nhiều nguồn lực; cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu; mạng in-tơ-nét vẫn chưa vào được phòng học,... nhưng các cơ sở đào tạo đã mở ra nhiều hoạt động, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội và một phần đòi hỏi nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí.

Có thể nói, đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường phát triển như một chuyến tàu tốc hành. Trong quá trình đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nhiều lúc tỏ ra đuối sức trước vận tốc chung, trong đó có đào tạo báo chí - truyền thông.

 

Chúng ta đều biết rằng, báo chí - truyền thông đang chuyển nhanh hoạt động sang môi trường công nghệ số - tích hợp công nghệ, kỹ thuật và truyền thông đa phương tiện (multimedia), trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhanh chóng. Mặt khác, lâu nay chúng ta chỉ mới đào tạo báo chí, còn mảng truyền thông coi như bỏ ngỏ; trong khi các công ty truyền thông và thị trường truyền thông nước ta phát triển nhanh chóng, là nơi sử dụng "đầu ra" lớn nhưng chưa có nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp. Quá trình này đang đặt ra nhiều vấn đề cho công nghệ đào tạo báo chí - truyền thông ở nước ta.

 

Theo chúng tôi, để công tác đào tạo báo chí - truyền thông có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế, cần phải giải quyết tốt hơn các vấn đề sau:

 

Vấn đề thứ nhất, nên lựa chọn kỹ thuật, công nghệ đào tạo báo chí theo hướng hiện đại. Hiện nay, ở nước ta quy trình, cách thức đào tạo báo chí - truyền thông của các cơ sở về cơ bản là như nhau, cho dù có chia thành chuyên ngành hẹp (như Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hay đào tạo theo chuyên ngành rộng (như hai khoa báo chí của hai Ðại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Nếu vẫn theo cách hiện nay thì không có điều gì phải bàn thảo, cứ thế "đổi mới" dần. Nhưng như thế tức là sản phẩm đào tạo ngày càng cách xa với yêu cầu thực tiễn hoạt động nghề nghiệp báo chí truyền thông hiện đại. Bởi vì cách đào tạo như hiện nay, có những vấn đề bất cập, như:

 

Một là, chương trình nặng nề, ôm đồm. Học bốn năm, thậm chí hai năm, nhưng muốn có cả bằng cử nhân báo chí vừa có chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị để trình... làng. Ðó là chạy theo nhu cầu hình thức. Ở nước Ðức, cử nhân báo chí chỉ học ba năm, nhưng thời lượng cho kiến thức và kỹ năng  chuyên ngành (cả lý thuyết và thực hành) nhiều hơn chương trình học bốn năm của nước ta. Cộng thêm, điều kiện cho việc học và rèn nghề của họ tốt hơn nhiều; người học cũng có ý thức tự giác là chú tâm học để lập nghiệp nghề báo, chứ không phải như không ít sinh viên báo chí nước ta miễn có tấm bằng đại học, tính sau.

 

Hai là, xu hướng truyền thông đa phương tiện đòi hỏi nhà báo hiện đại tích lũy đa kỹ năng (ba trong một), trong khi đào tạo của chúng ta lại chia tách cứng: chia chuyên ngành đào tạo thành báo in, phát thanh, truyền hình. Nếu như ngày hôm qua, đó là đổi mới, là thích hợp, thì hôm nay, với sự đòi hỏi của công nghệ truyền thông tích hợp, đã trở thành lạc hậu, rào cản và có thể gây ra lãng phí xã hội không nhỏ. Bởi học xong một chuyên ngành, ra trường, người học phải học tiếp ít nhất hai chuyên ngành kia (dù thời gian đã rút ngắn) để có thể tích hợp đa kỹ năng đáp ứng yêu cầu của tòa soạn báo chí hiện đại hay công ty truyền thông đa phương tiện. Ðào tạo như thế là "chộp đuôi" chứ chưa đón đầu.

 

Ba là, thời gian dành cho thực tập nghề nghiệp và trong số điểm đánh giá kỹ năng nghề nghiệp thực tế ngày càng giảm; kèm theo đó, yêu cầu, tiêu chí đánh giá kết quả thực tập cũng như kết hợp với cơ quan báo chí giúp đỡ sinh viên thực tập chưa được chú trọng đúng mức. Ðiều kiện cho việc thực hành tại trường, tuy đã có cải thiện nhiều, nhưng vẫn chắp vá, nghèo nàn và lạc hậu.

 

Vấn đề thứ hai, mâu thuẫn giữa quy mô đào tạo với thực tế năng lực đào tạo báo chí. Ðội ngũ cơ hữu vừa thiếu lại vừa yếu và hẫng hụt, trong khi đội ngũ làm việc ở các tòa soạn chưa huy động được bao nhiêu; chính sách và cơ chế kích thích nguồn lực hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm cho việc dạy và học nghề rất thiếu thốn và lạc hậu. Trong bối cảnh đó, quy mô đào tạo mở rộng nhanh, nhưng ý thức tự giác và chí thú học để lập nghiệp ở người học phần đông là không mạnh mẽ. Kết quả điều tra gần 300 sinh viên báo chí năm 2009 cho thấy chỉ gần 20% số sinh viên được hỏi khẳng định có nỗ lực thật sự trong học tập, con số này tương thích với gần 20% tích cực tham gia thảo luận trên lớp và làm bài tập.

 

Vấn đề thứ ba, chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ có tính chất pháp lý, trách nhiệm xã hội rõ ràng giữa cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí, các công ty truyền thông với cơ sở đào tạo. Do đó, mục tiêu đào tạo, hệ thống các tiêu chí về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần có của người học chưa được cùng nhau xây dựng, được chia sẻ tối đa để các cơ quan báo chí - truyền thông hợp tác, giúp đỡ nhà trường trong quá trình tổ chức đào tạo hiệu quả hơn. Quá trình này, hầu như cơ quan quản lý báo chí chưa can thiệp hiệu quả.

 

Ðể có sự thay đổi mạnh mẽ và tích cực trong đào tạo báo chí - truyền thông, đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ nhận thức và tư duy đào tạo trong việc lựa chọn mô hình, công nghệ và cách thức tổ chức đào tạo; cần sự đầu tư đủ mạnh cả về chất xám, nguồn lực đào tạo - từ con người, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ, cơ chế và chính sách tài chính. Ðồng thời, cần hình thành môi trường pháp lý để có thể phát triển thị trường đào tạo báo chí - truyền thông, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững.

 

 

 

Theo Báo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm