Cập nhật: 06/07/2010 23:23:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

3 thành tựu nổi bật khi Việt Nam gia nhập WTO: Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; Nâng cao vị thế của Việt Nam thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và có những tác động tích cực đối với thể chế kinh tế.

Đã có rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia trong và ngoài nước về kết quả bước đầu của Việt Nam sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó, phải kể đến 3 thành tựu nổi bật, đó là: Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; Nâng cao vị thế của Việt Nam thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và những tác động tích cực đối với thể chế kinh tế.

 

Giai đoạn 2007-2009 chứng kiến sự tham gia của Việt Nam vào WTO. Nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế 3 năm qua cho thấy sự bứt phá ngoạn mục: Năm 2007 tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%; Năm 2008 đạt 6,2%; Năm 2009, mặc dù ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm - thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, ở mức 5,3%.

 

Có được kết quả đó, là bởi công tác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo điều kiện cho tăng trưởng cao và ổn định trong giai đoạn từ 2007 đến nửa đầu 2008.

 

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO - ông Lương Văn Tự nhận xét: “Tôi rất mừng thấy rằng, 2 tác động từ sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, thứ nhất là việc mở cửa thị trường gia nhập WTO, thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu… đến cùng lúc nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn trụ được và là 1 trong 12 nước có tăng trưởng. Tất nhiên, nếu không có khủng hoảng, tăng trưởng của chúng ta sẽ cao hơn, thu hút đầu tư và xuất khẩu sẽ tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng đa số đều đứng vững thời gian qua. Thị trường tài chính được mở ra và phát triển khá. Các DN tham gia vào thị trường chứng khoán, ngân hàng tăng, bất động sản sau thời kỳ đóng băng đã phục hồi trở lại…”.

 

Nói về những nỗ lực cũng như thành công nổi bật của Việt Nam sau 3 năm gia nhập gia nhập WTO, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt được trong thời gian vừa qua thể hiện ở những thành tựu rất cụ thể, ví dụ như kết quả thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này khẳng định việc Việt Nam gia nhập WTO đã làm tăng niềm tin của các đối tác nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, tạo nên một làn sóng mới đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

 

Mặc dù tốc độ xuất khẩu 3 năm qua chưa thật cao như mong muốn nhưng trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới có rất nhiều khó khăn, biến động do khủng hoảng, xuất khẩu vẫn duy trì được ở mức độ nhất định cũng là một kết quả đáng mừng…

 

Ngoài ra, vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như trong quan hệ với các đối tác quan trọng cũng đã được nâng lên rất rõ rệt. Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Nếu như không tham gia WTO, chúng ta rất khó có thể đạt được những quan hệ mở rộng với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, để có một  hiệp định kinh tế; đối tác kinh tế song phương với Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga; với tất cả các đối tác quan trọng và kể cả trong nội bộ ASEAN cũng vậy, vì vị thế của VN được tăng lên. Đây là những thành tựu vô cùng to lớn mà việc gia nhập WTO đã mang lại…”.

 

Thành tựu cơ bản thứ ba sau khi Việt Nam gia nhập WTO đó chính là tác động đối với thể chế kinh tế. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế được quan tâm đặc biệt, đã loại bỏ được nhiều quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế…

 

Đặc biệt, đã giảm sự kiểm soát của Chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực và giá cả, nỗ lực thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng đặc biệt thiết yếu như điện, than, nước sạch, xăng dầu…

 

Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: hầu hết các nhiệm vụ Chính phủ giao đều được đảm bảo; Các tác động đến thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, xã hội, thể chế kinh tế… nhìn chung đều tốt; Các nước có cam kết với Việt Nam đều thực hiện tương đối nghiêm túc cam kết của họ. Ông Lê Xuân Bá cũng cho rằng, xét ở góc độ tác động WTO, Việt Nam làm được khá nhiều về thể chế, ban hành sửa đổi bổ sung luật lệ cũ, cố gắng làm tốt các cam kết; bộ máy thực hiện và điều hành còn có khiếm khuyết nhưng rõ ràng có tiến bộ…/.

 

 

 

Theo vovnews.vn.

 

Tệp đính kèm