Cập nhật: 19/07/2010 23:52:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn T.Ư cho biết, sau khi đi vào địa phận hai tỉnh Hải Phòng và Thái Bình và gây một số ảnh hưởng nhất định, bão số 1 tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng thấp và đang di chuyển theo hướng tây bắc.

Ðến hết ngày 18-7, vùng thấp này sẽ tiếp tục suy yếu và nhanh chóng tan đi trên địa phận biên giới phía tây. Bão đã tan cho nên trong những ngày đầu tuần tới, Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ lại bắt đầu tăng, cao nhất trong ngày vào khoảng 33-35oC. Nắng xuất hiện trở lại nhưng vẫn kèm theo mưa rải rác một vài nơi. Tuy nhiên, chưa có dự báo cụ thể về đợt nắng nóng trong một vài ngày tới.

 

Sáng 18-7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư tổ chức đánh giá tình hình diễn biến bão số 1, thống kê thiệt hại ban đầu và triển khai các biện pháp khắc phục. Theo báo cáo nhanh, bão số 1 làm sáu ngư dân Quảng Ngãi trên tàu QNg 55940 mất tích ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; ba người ở Hải Phòng bị thương; 303 nhà bị tốc mái (Quảng Ninh 200 nhà, Hải Phòng 103 nhà); 27 tàu, thuyền bị đắm, vỡ; 34 tàu ở Quảng Ninh và ba tàu lớn đang sửa chữa bị trôi dạt va đập vào cầu Bính (Hải Phòng), chưa xác định được mức độ thiệt hại...

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của bão số 1, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 34m/s (cấp 14); Cô Tô: 21 m/s (cấp 9); giật 33m/s (cấp 12); Bãi Cháy 17m/s (cấp 8), giật 32m/s (cấp 11); Bạch Long Vĩ có gió mạnh 40 m/s (cấp 13); giật 57m/s (cấp 17). Tại một số nơi ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có mưa to và mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm, có một số nơi mưa lớn như Chi Nê (Hòa Bình) 166mm; TP Nam Ðịnh (Nam Ðịnh) 159 mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 132 mm. Từ đêm 17-7 tại các tỉnh ven biển mưa đã giảm, các tỉnh miền núi phía bắc mưa nhỏ.

 

Hiện nay mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội đang dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện và chịu ảnh hưởng của thủy triều sông Thái Bình, mực nước hạ lưu hệ thống sông Thái Bình đang biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều. Dự báo, mực nước thượng lưu hệ thống sông Hồng sẽ lên nhanh, hạ lưu tại Hà Nội đến 7 giờ ngày 19-7 có khả năng lên mức 3,60 m. Do ảnh hưởng của mưa bão số 1,  ngày 18-7, mực nước các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có khả năng lên với biên độ từ 1,0-4,0m, có sông lên mức báo động 1, riêng sông Bưởi lên trên mức báo động 1.

 

Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chỉ đạo các địa phương tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn sáu ngư dân và các tàu bị nạn của tỉnh Quảng Ngãi tại khu vực đảo Hoàng Sa. Các lực lượng cứu hộ tiếp tục tiến hành trục vớt các tàu bị chìm, trôi. Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh khắc phục nhanh chóng các sự cố và thiệt hại về điện, viễn thông, thu dọn cây xanh gãy đổ, giải tỏa giao thông. Các tỉnh miền núi và trung du phía bắc tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình mưa để có biện pháp đối phó kịp thời.

 

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư-Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN ngày 18-7 có Công điện số 16/CÐ-T.Ư gửi Ban chỉ huy PCLB và TKCN các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các bộ có liên quan thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của ATNÐ để chủ động phòng tránh; theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNÐ, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền, chuẩn bị triển khai phương án phòng, chống lụt, bão. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

 

Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hải Phòng cho biết, bão số 1 làm ba người bị thương, một cần cẩu hàng ở Bạch Long Vĩ bị gãy, 103 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ðịa phương bị thiệt hại nặng nhất là quận Hải An với gần 70 nhà bị tốc mái, hư hỏng; nhấn chìm bốn tàu du lịch của Quảng Ninh tại khu vực bến phà Gia Luận (Cát Hải), toàn bộ 14 thuyền viên trên tàu đã được cứu; một bè nuôi thủy sản bị vỡ, nhưng may mắn cả ba người trên bè được cứu an toàn. Tại Bạch Long Vĩ có một xuồng bị đắm; đổ, gãy hơn 900 cây xanh, 19 cột điện và một cột viễn thông BTS của Viettel. Kè chắn sóng của dự án Khu du lịch Hòn Dáu (Ðồ Sơn) bị sạt lở 200 m, kè đảo Bạch Long Vĩ bị sạt 20 m, đê kè Cát Hải bị sạt lở nhiều điểm. Ngoài ra, hàng trăm ha hoa màu tại các huyện bị thiệt hại. Công ty TNHH một thành viên Ðiện lực Hải Phòng cử lực lượng xuống các địa phương khắc phục kịp thời cấp điện trở lại cho nhân dân...

 

Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ninh, đến 14 giờ 30 phút ngày 18-7 trên địa bàn đã có 351 nhà bị tốc mái; 27 tàu, thuyền bị đắm; 20 lồng bè bị vỡ; một nhà, chín cột điện bị đổ. Tại khu vực Hòn Cặp Gà, tàu HD0120 chở 70 tấn quặng bị sóng đánh chìm; bốn tàu khách bị chìm ở bến Gia Luận (Hải Phòng). Thiệt hại ban đầu ước khoảng 4,5 tỷ đồng.

 

Ðêm 17 và sáng 18-7, nhiều cây trên đường TP Hà Nội như Giang Văn Minh, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Trần Hưng Ðạo... cũng đã bật gốc, gẫy cành. Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, theo thống kê cho đến 10 giờ sáng 18-7, toàn thành phố có 65 cây bị đổ, bật gốc, nhưng không có thiệt hại về người.

 

Tỉnh Thái Bình có lượng mưa là 109 mm, nhiều nhất ở Vũ Thư với 240 mm, Hưng Hà 135 mm và TP Thái Bình 127 mm. Bão làm ngập úng 1.800 ha lúa và thiệt hại 1.700 ha hoa màu. Trong đó có 200 ha lúa và 650 ha hoa màu bị ngập nặng; toàn bộ hệ thống đê điều và thủy nông bảo đảm an toàn, không có tàu bị đắm, chìm trong bão. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung mọi phương tiện tiêu nước khắc phục tình trạng ngập úng cho lúa và hoa màu.

 

Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nam Ðịnh, bão số 1 không gây thiệt hại về người nhưng đã làm 15 mủng bị chìm tại ngách đầu Cồn xã Giao Xuân; sạt lở 30m2 đê Cổ Vậy, xã Giao Phong, Giao Thủy; mưa lớn làm 38.960 ha lúa bị ngập úng. Hiện, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các huyện, thành phố Nam Ðịnh đang tiêu rút nước đệm phòng, chống úng. Toàn tỉnh huy động 109 máy bơm của các trạm bơm Hữu Bị, Cốc Thành, Cổ Ðam, Vĩnh Trị thực hiện việc tiêu rút nước.

 

Sáng 18-7, ba tàu cứu nạn của Vùng C Hải quân là HQ-629, HQ-951 và HQ-952 đã tiếp cận được với các tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn ở khu vực đảo Xà Cừ (quần đảo Hoàng Sa). Các tàu hải quân tiếp nhiên liệu cho năm tàu QNg 95613, QNg 95599, QNg 95839, QNg 93707 và QNg 95431. Trong sáng 18-7, tàu HQ-629 đã tiếp nhận sáu ngư dân bị kiệt sức lên tàu HQ-629. Ba tàu của Vùng C Hải quân tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại khu vực gần đảo Ðá Bắc.

 

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cho biết, tại Quảng Ninh máy biến áp AT2 - Trạm biến áp 220kV Hoành Bồ bị bão làm đứt một pha dây dẫn chống sét; các đường dây 110kV Ðồng Hòa - Vĩnh Bảo; Ðình Vũ - Ðồng Hòa; Hoành Bồ - Mông Dương cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, lưới điện 110 kV gặp sáu sự cố tại TP Hải Phòng. Ngoài ra, theo thông báo của Tổng Công ty Ðiện lực miền bắc, có 172 sự cố trên lưới điện trung áp ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn... Ngay sau khi bão tan, các đơn vị của EVN đã tập trung toàn bộ lực lượng, vật tư khắc phục sự cố. Ðến cuối giờ chiều 18-7, hầu hết các sự cố đã được khắc phục và cung cấp điện ổn định trở lại cho khách hàng.

 

Do nằm trong vùng hoàn lưu bão số 1, tối 17 và sáng 18-7 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét rất lớn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, di dời dân ở những nơi xung yếu, vùng nguy hiểm; ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đủ thuốc men và lương thực nhằm đối phó với các tình huống khi bị lũ quét. Tại huyện Văn Chấn đã kịp thời di dời 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến nơi an toàn. Trên ngòi Thìa (Văn Chấn) đã có lũ quét cục bộ, nước tràn qua đê quay thuộc công trình thủy điện Văn Chấn đang thi công.

 

Tại Lai Châu, cơ quan chức năng đã rà soát và di chuyển gần hai trăm hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tuy nhiên hiện vẫn còn hơn 200 hộ chưa di chuyển được ở bản Hua Bản, xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ và các hộ dân ở bản Pa Thóng, bản Phí Che, bản Huổi Han huyện Mường Tè.

 

Bão số 1 sau khi chuyển thành ATNÐ đi qua tỉnh Phú Thọ với lượng mưa nhỏ giúp giảm bớt hạn hán cho các diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh có khoảng 7.600/33.860 ha lúa vụ mùa và gần 3.000 ha hoa màu bị khô hạn, thiếu nước tưới. Nếu không được bổ sung nguồn nước, diện tích lúa bị hạn sẽ tăng lên khoảng 10.000 đến 12.000 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh có 849 hồ chứa thì có khoảng 100 hồ còn 20% dung tích thiết kế, còn lại đã cạn kiệt.

 

 

Trên địa bàn Hà Tĩnh những cơn mưa do bão số 1 mang đến góp phần hạ nền nhiệt độ, phần nào cứu cho những ruộng lúa đang thiếu nước nghiêm trọng và nhiều hộ dân có nước sinh hoạt. Theo thống kê, lượng mưa đo được tại huyện Kỳ Anh là 132 mm, tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Ðức Thọ là 60 mm. Theo Chi cục Thủy lợi, với lượng mưa hiện tại chỉ làm ẩm đất và hạ nền nhiệt độ chứ không thể tạo dòng chảy để tích lũy nước vào hồ chứa.

 

Tin áp thấp nhiệt đới xa

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 18-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 đến 16,2 độ vĩ bắc; 120,5 đến 121,5 độ kinh đông, trên khu vực đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 

Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Như vậy khoảng đêm nay (18-7), áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào phía đông Biển Ðông. Ðến 19 giờ ngày 19-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 đến 16,8 độ vĩ bắc; 117,0 đến 118,0 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông Biển Ðông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

 

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm