Cập nhật: 28/07/2010 01:02:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ cộng sản, quần chúng cách mạng, yêu nước hy sinh, tiếp nối sự hy sinh của biết bao thế hệ anh hùng, chiến sĩ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để xây nên giang sơn gấm vóc hôm nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”(Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H.1996, T.10, tr3).

 Xuất phát từ nhận thức, tình cảm chân thành đó đối với thương binh, liệt sĩ, ngay sau cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước; đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn, nhân ái của Người. Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, hàng năm, ngày 27-7 trở thành “Ngày Thương binh toàn quốc”. Từ năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “ Ngày thương binh, liệt sĩ “ và được tổ chức đều đặn hằng năm trên cả nước. Sinh thời, cứ đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư cho cán bộ chủ quản các cấp của Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng dặn  việc chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và Người đã trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các gia đình thương binh, thân nhân các liệt sĩ , cũng như đi viếng liệt sĩ ở nghĩa trang.

 

Đến nay, tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã “làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

 

Trước hết, đó là việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ và ưu đãi người có công với cách mạng như chính sách về các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 20 năm công tác đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về chế độ hưu trí đối với quân nhân tham gia chống Mỹ, cứu nước có 20 năm phục vụ quân đội trở lên đã phục viên, xuất ngũ; về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; chính sách với một số đối tượng trực tiếp tham gia chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; chính sách đối với lực lượng lực lượng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào; chế độ, chính sách với cán bộ và các hộ dân làm việc, sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc Trường Sa; chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng trong quân đội; các chính sách tiền lương, phụ cấp bảo hiểm xã hội; các chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội; các chính sách phục vụ yêu cầu phát triển nhiệm vụ; chính sách giảm biên chế quân đội v.v... Những chủ trương, chính sách đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc với toàn dân nói chung và chiến sĩ quân đội nói riêng, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 

Tiếp đó là sự phát triển sâu, rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đến nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương đã thực hiện tốt “ Năm chương trình tình nghĩa”,  xây dựng được “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2005-2009), các đơn vị quân đội đã tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 786 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Và chính các đơn vị này đã tích cực vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp tiền cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được 500 tỷ đồng; khám chữa bệnh cấp thuốc cho trên 200 nghìn lượt người, đóng góp trên 100 nghìn ngày công lao động giúp các gia đình chính sách; tạo việc làm cho 6.000 con em thương binh, liệt sĩ. Cơ quan chính sách các cấp trong quân đội đã làm gần  3 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan tại ngũ. Đặc biệt, phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” với phương châm xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” do quân đội phát động nhận được sự ủng  hộ tích cực, tự nguyện của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp...

 

Trong 63 năm qua, từ ngày có “Ngày Thương binh, liệt sĩ” do  Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đến nay, phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa” theo tấm gương đạo đức của Người đã phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phong trào đã và đang tạo luồng sinh khí mới cho sự đồng thuận xã hội tạo động lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

 

Theo Báo điện tử Đaiđoanket

Tệp đính kèm