Cập nhật: 19/10/2010 23:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 119,9 độ kinh đông, trên khu vực phía đông Biển Ðông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167-201km/giờ), giật trên cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 22 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 117,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía Ðông.   Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

 

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Ðến 22 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 115,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ ngày 21-10,  vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc, 113,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.

 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Biển Ðông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 đến 14 m; biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; biển động rất mạnh.

 

Chiều 18-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1870/CÐ-TTg điện các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công thương, Ngoại giao, Giáo dục và Ðào tạo; UBND các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh,  Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa; Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia nội dung nêu rõ, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, không để người dân bị đói, rét. Ðồng thời, từng bước khôi phục hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh đồng ruộng, phục hồi sản xuất sau khi lũ rút. Chỉ đạo đối phó với bão Megi, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ về nơi tránh, trú bão an toàn, đặc biệt là các tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (trong đó có 13 tàu của tỉnh Quảng Ngãi) và các tàu khu vực Bắc và giữa Biển Ðông. Các tỉnh trên phải lên ngay kế hoạch chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, chặt tỉa cành cây, cho học sinh nghỉ học trước khi bão đổ bộ vào. Thực hiện sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao có công hàm gửi cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực thông báo, tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền, ngư dân của Việt Nam vào tránh, trú bão. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ thủy điện, thủy lợi, nhất là các hồ thuộc các tỉnh trong khu vực mưa lũ vừa qua, các hồ chứa nước vừa và nhỏ.

 

Chiều 18-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ huy PCLB các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa để bàn giải pháp tiếp tục đối phó với mưa lũ, đặc biệt là cơn bão Megi. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ nhân dân vùng lũ, thăm hỏi các gia đình người bị nạn, đồng thời chủ động đối phó với bão Megi. Các cơ quan chức năng cần thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về tình hình hướng đi của bão để di chuyển đến nơi an toàn. Ðối với các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tùy theo diễn biến của bão, chính quyền địa phương quyết định việc cấm biển cho phù hợp. Tuyệt đối không để cho tàu thuyền ở lại trong vùng tâm bão, kể cả đã trú ẩn ở các đảo. Ðể chủ động đối phó với bão, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chuẩn bị phương án sơ tán dân một cách chi tiết cụ thể. Những nhà mái bằng kiên cố chịu được sức gió mạnh của bão này mới được cho người ở lại hoặc cho người khác sơ tán đến. Nhất thiết phải sơ tán triệt để dân ra khỏi vùng cửa sông, ven biển, nơi có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nước dâng do bão...

 

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, từ ngày 13 đến 18-10, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa rất to. Theo thống kê ban đầu, đến nay, mưa lũ đã làm 31 người chết; trong đó, tỉnh Nghệ An 12 người; Hà Tĩnh 13 người; Quảng Bình 6 người, ngoài ra tại Thừa Thiên - Huế có một người chết và hai người mất tích do lốc. Ðặc biệt, sáng 18-10 tại Hà Tĩnh, một ô-tô khách bị trôi tại khu vực Hồng Lĩnh (quốc lộ 1A), đã cứu được 17/37 người. Tỉnh Nghệ An có 21 xã bị ngập sâu với 15.166 hộ; Hà Tĩnh có 178 xã của 12 huyện, thị xã trong bị ngập, lụt; Quảng Bình có 80 xã bị ngập với 53.520 hộ (12 xã còn bị cô lập); nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, gây ách tắc giao thông. Hiện, trên quốc lộ 1A còn ngập hai vị trí, quốc lộ 7 bị ngập 1 vị trí tại Km 14 thuộc Nghệ An. Quốc lộ 8 bị ngập tại Km 2 - Km 13. Ðường Hồ Chí Minh nhánh Ðông bị ngập tại Km 909 - Km 912+100 và Km 813 - Km 817. Tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngập tại 14 điểm (Quảng Bình hai điểm, Hà Tĩnh 12 điểm).

 

Ðể giúp nhân dân các tỉnh miền trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, Bộ Quốc phòng đã điều một máy bay Mi17 vào TP Vinh để trực tiếp phục vụ bay cứu trợ các vùng khó khăn của Hà Tĩnh; huy động 92 xuồng, ca-nô của quân đội, biên phòng, công an và hơn 100 phương tiện của nhân dân tập trung cứu trợ cho nhân dân, đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Vụ Quang, Thạch Hà. Bộ Công an cũng đã điều động bổ sung 12 xuồng cao tốc tới các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để thực hiện cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lũ. Bộ Giao thông vận tải huy động lực lượng phân luồng giao thông, thông xe tại các tuyến đường quốc lộ, 'tăng bo' hành khách đi đường sắt từ Vinh - Ðồng Hới và ngược lại. Bộ Y tế tiếp tục cấp thuốc, áo phao, phao tròn, nhà bạt cho các tỉnh. Theo đó, cấp cho tỉnh Nghệ An 30 cơ số thuốc, 100 áo pháo, 100 phao tròn; Hà Tĩnh 50 cơ số thuốc, 150 áo phao, 100 phao tròn, năm nhà bạt; Quảng Bình 50 cơ số thuốc, 150 áo phao, 100 phao tròn, năm nhà bạt; Quảng Trị 20 cơ số thuốc, 100 áo phao, 100 phao tròn.

 

Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam đang tập trung sửa chữa, bảo đảm an toàn chạy tàu tại các điểm đường sắt bị hư hại sau cơn lũ đầu tháng 10 thì đường sắt miền trung lại phải ứng phó với một đợt lũ mới gây ngập úng, xói trôi, sạt lở nhiều điểm đường sắt trong khu đoạn dài hơn 40 km từ khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện đến khu gian Phúc Trạch - La Khê, làm giao thông trên tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngưng trệ. Ðến chiều 17-10, đã có 12 đoàn tàu khách phải dừng tại ga Ðồng Hới và Vinh. Ngành đường sắt đã huy động 60 xe khách chuyển tải khoảng 3.000 khách từ ga Vinh đến ga Ðồng Hới và ngược lại để tiếp tục hành trình. Những hành khách bị mắc kẹt được bảo đảm lương thực, nước uống và hỗ trợ trong quá trình di chuyển bằng đường bộ.

 

Tại TP Vinh (Nghệ An), do lượng mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm hầu hết tuyến đường và khu dân cư bị ngập trong 0,5-1,5 m nước. Huyện Ðô Lương và Diễn Châu có 15 khu vực dân cư bị chia cắt hoàn toàn vì mưa lũ. Tại thị xã Cửa Lò, nhiều tuyến đường cũng đang ngập sâu trong nước, không thể đi lại. Ngành giáo dục đào tạo Nghệ An đã điện báo cho các địa phương và các trường học cho học sinh nghỉ học. Hiện nay, tại những điểm ngập lụt gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cắt cử người trực 24/24 giờ, nghiêm cấm người và xe qua lại. Ðến sáng 18-10, quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã thông xe. Tuy đường đã thông nhưng do có một số điểm có nguy cơ bị sạt lở, Khu quản lý đường bộ 4 và các ngành chức năng vẫn bố trí người trực hướng dẫn và làm các cọc tiêu, biển báo báo hiệu những điểm an toàn để các phương tiện biết, tránh đi vào chỗ nguy hiểm.

 

Thứ trưởng Ðào Xuân Học, Phó Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư và Thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ, Phó Tư lệnh Quân khu IV đã trực tiếp đến các vùng lũ ở Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị bộ đội, biên phòng cùng với tỉnh Hà Tĩnh huy động 40 chiếc xuồng cao tốc và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ trực tiếp ứng cứu, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng bào vùng bị cô lập. Sáng 18-10, tại Hà Tĩnh có gần 70.000 người ở vùng bị ngập sâu đã được đưa đến nơi an toàn. Tỉnh đã huy động 50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước uống đóng chai để kịp cứu trợ cho nhân dân các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và trích ngân sách 15 tỷ đồng hỗ trợ các huyện mua lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ. Cùng ngày, hồ Kẻ Gỗ mực nước lên đến 31,8 m, lượng nước trong hồ khoảng 340 triệu m3. Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Kẻ Gỗ đã tiến hành xả nước với lưu lượng 300 đến 600 m3/giây, đồng thời xử lý các hư hỏng trên thân đập. Hiện nay, mưa to vẫn tiếp diễn, nước từ thượng nguồn đổ về hồ còn nhiều, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ hồ.

 

Ngày 18-10, tỉnh Quảng Bình mưa đã ngớt, nước trên các sông Gianh, sông Kiến Giang đang xuống nhưng xuống chậm, các đoàn công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc chữa bệnh... đã về tới các vùng lũ. Ngoài ra, Quân khu 4 cử 200 cán bộ, chiến sĩ vào vùng lũ phối hợp lực lượng xung kích tại chỗ tập trung giúp dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Ðến nay, tỉnh đã sơ tán đến nơi an toàn được 10.626 hộ (47.997 người); huy động 30 xuồng, ca-nô, hàng chục xe các loại, 300 cán bộ, chiến sĩ, 200 đoàn viên thanh niên trực tiếp tới vùng ngập để cứu hộ, di dời dân.

 

Ngày 18-10, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị đã có các công điện khẩn chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các huyện ven biển thông báo cho các chủ tàu, thuyền và phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão Megi để chủ động phòng tránh an toàn. Ðến chiều cùng ngày, hơn 2.460 tàu, thuyền đã được đưa vào các cửa biển, cửa sông, lên bờ giằng néo. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương di dời dân ở vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sụt lở đất đến nơi an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện theo kế hoạch để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

 

Trong mấy ngày qua, mưa to làm mực nước các hồ chứa trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đều vượt cao trình đỉnh tràn từ 0,55 m (hồ Hòa Mỹ) đến 5,9 m (hồ thủy điện Hương Ðiền). Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hương Ðiền mở hết khẩu độ hai cửa van số 3 và số 4 để bảo đảm thoát lũ, an toàn công trình; tổ chức trực 24/24 giờ vận hành xả lũ, tránh gây ngập lụt cho vùng hạ lưu. Hiện tỉnh đang triển khai các phương án đối phó với bão Megi. Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục quản lý 4.267 phương tiện không cho ra khơi; đồng thời dự trữ thêm 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền đề phòng mưa lũ dài ngày. Tỉnh dự trữ thêm 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền đề phòng mưa lũ dài ngày. Trước đó, các huyện, thị xã và TP Huế đã chuẩn bị được 246,5 tấn gạo, 154,2 tấn mì ăn liền, 118.470 lít xăng dầu, 3,5 tấn muối sẵn sàng giúp dân khi cần thiết.

 

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban chỉ huy PCLB năm huyện ven biển và huyện hải đảo Lý Sơn triển khai ngay các phương án phòng, chống bão Megi; nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ ra khơi; theo dõi, kiểm tra tàu, thuyền đang hoạt động trên các vùng biển và thông báo cho chủ phương tiện biết diễn biến cơn bão để chủ động phòng tránh và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Thông báo đến các chủ đầu tư khai thác dầu khí, chủ phương tiện vận tải thủy, nhất là đang hoạt động tại vùng cảng Dung Quất và vùng biển Quảng Ngãi để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, thiết bị và công trình đang thi công. Ðến nay, tỉnh có 483 tàu, thuyền với 4.280 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Hầu hết đã nhận được thông tin về bão Megi, chủ động phòng, tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

 

Tại Công văn số 7408/VPCP-KTN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum rà soát quy hoạch các dự án đường giao thông phục vụ tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong mùa mưa lũ. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, tỉnh vừa quyết định đầu tư nối dài tỉnh lộ 678 từ km 27 đến đường Hồ Chí Minh, tổng chiều dài 30 km, nhằm cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân vùng mưa lũ. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp các lực lượng cứu hộ ứng cứu kịp thời các xã Ðác Na, Ðác Sao và Ðác Tờ Kan nếu bị mưa lũ gây cô lập.

 

Ngày 18-10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định trợ cấp đợt ba giúp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, với số tiền hơn hai tỷ đồng. Trong đó, 350 nghìn đồng tiền mặt từ nguồn Quỹ cứu trợ thiên tai và 3.600 thùng hàng gia đình, 3.600 hộp viên lọc nước và 50 nhà bạt từ kho dự trữ của T.Ư Hội cho tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. T.Ư Hội cũng cử đoàn công tác xuống các địa điểm tại tỉnh Quảng Bình để giúp dân sử dụng máy lọc nước sạch để sử dụng và tiến hành ký hợp đồng mua 219 tấn gạo, 3.000 viên lọc nước và 1.800 thùng hàng gia đình. Trước đó, tối 17-10, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Ðài Truyền hình Kỹ thuật số, kênh VTC14 mở cổng nhắn tin Chung sức vì đồng bào miền trung: UH gửi 1405 và 1409; UHMT gửi 8688 và 8788. Bước đầu đã có 450.000 tin nhắn tương đương với 450 triệu đồng. Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã cấp phát cho ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế 300.000 viên Aquatab, 3.000 kg Cloramin B, 2.300 kg PUR, kèm theo 8.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng. Số hóa chất trên có thể xử lý được hơn 270 triệu lít nước cho sinh hoạt, trong đó xử lý được 11 triệu lít nước sạch hợp vệ sinh có thể uống trực tiếp và cung cấp được cho gần 45.000 hộ sử dụng trong vòng năm ngày với tiêu chuẩn 10 lít/người/ngày, đêm. Tỉnh Lâm Ðồng vừa trích 500 triệu đồng từ Quỹ dự phòng thiên tai để ủng hộ đồng bào miền trung đang bị lũ lụt. Ðồng thời, địa phương cũng đang phát động một đợt quyên góp đặc biệt, kêu gọi giúp đỡ thiết thực về vật chất và tinh thần để đồng bào bị thiên tai ở miền trung có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Trong tuần qua, các đơn vị, cá nhân ở Lâm Ðồng đã ủng hộ hơn 220 triệu đồng.

 

Các Hội người Việt Nam tại Ðức như Hội đồng hương Quảng Bình, Hội Phật tử Việt Nam, Hội Xí nghiệp may Ðáp Cầu tại Ðức,... đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt. Chiều 16-10, Hội đồng hương Thái Bình tại Ðức đã vận động quyên góp được số tiền 3.000 ơ-rô. Kiều bào và tập thể cán bộ Ðại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan đã quyên góp 2.150 ơ-rô gửi về nước ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

 

Ðược tin mưa to, gió lớn gây lũ lụt trên diện rộng tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV đã gửi điện thăm hỏi và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh nói trên. Nhằm chia sẻ, khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng bị lụt, BIDV ủng hộ hai tỉnh 200 triệu đồng, 20 tấn gạo và 40 nghìn cuốn vở học sinh (mỗi tỉnh 100 triệu đồng, 10 tấn gạo và 20 nghìn cuốn vở) và các gia đình có người thân bị chết, mất tích ba triệu đồng/người.

 

Cán bộ nhân viên BIDV tại các chi nhánh khu vực lân cận cũng đã quyên góp: 2.500 bộ quần áo và 1.300 chăn màn để phân phối cho các gia đình bị thiệt hại tại Quảng Bình, Hà Tĩnh. Ngoài ra, Công đoàn, Ðoàn Thanh niên BIDV cũng đã khẩn trương phát động phong trào quyên góp trong toàn hệ thống để ủng hộ nạn nhân gặp thiên tai.

 

 

Theo  Nhandan Online

Tệp đính kèm