Cập nhật: 17/11/2010 23:07:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công khai, minh bạch là điều kiện quan trọng để phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn, sự công khai, minh bạch là một trong những yếu tố quyết định mọi thành công và bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Tăng tính minh bạch cho nền kinh tế

 

Ðối với các nền kinh tế phát triển, sự minh bạch về thông tin kinh tế được coi như một điều kiện quan trọng để bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của các thành phần tham gia. Trong bất cứ một hoạt động liên doanh, liên kết làm ăn với các đối tác, các tập đoàn, các công ty uy tín của thế giới, điều kiện tìm hiểu đầu tiên bao giờ cũng là báo cáo tài chính hằng năm của đơn vị đối tác.

 

Họat động kiểm toán độc lập chính là nhằm xác nhận tính chính xác của các thông tin kinh tế, làm cơ sở để các bên tiến hành các giao dịch kinh tế. Vì vậy, kiểm toán là một hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, hoạt động kiểm toán độc lập đã ra đời được 19 năm, và hiện đã có 162 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, với hơn 6.700 người làm việc, trong đó có khoảng 1.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn được đánh giá là lĩnh vực rất thiếu tính chuyên nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ, không tự giác và độ tin cậy chưa cao. Nguyên do là lĩnh vực này hiện đang thiếu các quy định mang tính pháp lý đủ mạnh để tác động đến nhu cầu thị trường, cũng như kiểm soát chất lượng của hoạt động kiểm toán độc lập.

 

Chính vì vậy, tuy vẫn nhận thức rằng nhiều văn bản pháp lý trong các lĩnh vực liên quan chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dẫn đến những khó khăn nhất định cho hoạt động thực tiễn, nhưng dư luận và các đại biểu QH đều rất đồng tình với việc xúc tiến xây dựng Luật Kiểm toán độc lập. Nhiều đại biểu QH thảo luận ở tổ nhấn mạnh rằng, việc xây dựng Luật Kiểm toán độc lập tại thời điểm này đã có thể bị coi là chậm một bước so với sự phát triển của thị trường, và vì thế, phần nào kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

 

Dù vậy, do đây là một lĩnh vực có tính chuyên biệt khá cao, nên việc tiến hành xây dựng Luật cũng như góp ý chỉnh sửa nội dung của Luật gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều nội dung cần được làm rõ, chi tiết, cụ thể, song lại mới chỉ dừng ở mức chung chung. Một số kiến nghị chỉnh sửa tuy hợp lý nhưng lại có thể thấy ngay sự khó khăn khi triển khai, do điều kiện thực tế chưa theo kịp.

 

Với mục đích tạo hành lang pháp lý thúc đẩy nhu cầu, mở rộng thị trường cho hoạt động kiểm toán độc lập, qua đó từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần tham gia hoạt động kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị Luật quy định tất cả các tổ chức kinh tế đều phải tiến hành kiểm toán hằng năm, và từng bước, các báo cáo đã được kiểm toán này sẽ được sử dụng trong các hoạt động liên quan như: báo cáo nộp thuế, kiểm toán việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức... Việc chuyên nghiệp hóa các hoạt động này sẽ góp phần giảm tải cho một số cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý thị trường, giúp phát hiện sai phạm, qua đó, hạn chế tiêu cực, gian dối, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, tích cực.

 

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, điều khiến các đại biểu QH băn khoăn nhiều nhất là các biện pháp, chế tài để kiểm soát chất lượng của hoạt động kiểm toán. Trong khi các thông tin tài chính có ý nghĩa, tác động rất lớn đến thị trường, thì theo các quy định hiện hành, việc kiểm toán không đúng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế lại chưa bị xử lý bằng các biện pháp đủ sức răn đe. Và hiện việc kiểm soát chất lượng của hoạt động này cũng chưa được tiến hành có hiệu quả, khi mà, chính cơ quan chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ này là Bộ Tài chính cũng chưa có đủ các kiểm toán viên có kinh nghiệm, năng lực nghề nghiệp tốt. Nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, nhưng cả nước hiện mới có gần 500 kiểm toán viên đạt trình độ quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, dự án kinh tế lớn vẫn sử dụng các dịch vụ kiểm toán của nước ngoài, và theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thì chính sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán nước ngoài này đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên trong nước thông qua quá trình tác nghiệp, thực thi nhiệm vụ kiểm toán độc lập.

 

Với việc xác định kiểm toán độc lập là loại hình dịch vụ có điều kiện, dự Luật đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về điều kiện quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với các hoạt động, cũng như nắm quyền kiểm soát chất lượng đội ngũ kiểm toán viên. Về lâu dài, khi tổ chức nghề nghiệp của lĩnh vực này đủ mạnh, sẽ chuyển giao phần việc quản lý trình độ nghiệp vụ của kiểm toán viên như kinh nghiệm của nhiều nước đang áp dụng.

 

Nhiều đại biểu QH đồng tình với quy định bắt buộc kiểm toán các báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật hiện hành, và bổ sung thêm các báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp nhà nước, báo cáo quyết toán hoàn thành dự án của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước... Ðây là điểm mới được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Làm lành mạnh đời sống xã hội

 

Tuy mới đang trong bước thảo luận cho ý kiến xây dựng Luật, song dự thảo Luật Tố cáo (tách ra từ Luật Khiếu nại, tố cáo) đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi các quan điểm chung quanh vấn đề: chấp nhận hay không chấp nhận tố cáo nặc danh.

 

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng nên chấp nhận các tố cáo nặc danh nếu trong đơn tố cáo chỉ rõ được các bằng chứng, sự việc, căn cứ cụ thể để tiến hành xác minh, tìm hiểu. Các đại biểu ủng hộ quan điểm này cho rằng, đây là cách làm để bảo vệ người tố cáo, vì trên thực tế, quy định bảo vệ người tố cáo tuy đã có, nhưng rất chung chung, và vì thế, không biết thực hiện thế nào. Nhiều trường hợp người tố cáo đã bị trù dập, gây ảnh hưởng lớn đến công việc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ðối chiếu với một số điều ước mang tính quốc tế, đơn thư nặc danh vẫn được nhìn nhận là một kênh cung cấp thông tin về các phát hiện tiêu cực.

 

Ðối lập với quan điểm này, nhiều ý kiến lại cho rằng, không nên chấp nhận các tố cáo nặc danh, bởi loại đơn thư này dễ bị lợi dụng, xuyên tạc sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của tập thể hoặc cá nhân.

 

Một quy định còn có ý kiến khác nhau nữa là việc xác định cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết đơn thư tố cáo. Nhiều đại biểu cho rằng, nên quy định cơ quan giải quyết tố cáo là một đơn vị độc lập, có thể là cơ quan dân cử cùng cấp.

 

Mục đích cuối cùng của hoạt động tố cáo là nhằm loại bỏ những hành vi, việc làm sai phạm, bắt các cá nhân, tổ chức có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình, tạo môi trường trong sạch cho sự phát triển của mọi cá nhân và cả cộng đồng xã hội.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm