Cập nhật: 14/12/2010 23:34:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII sẽ được tổ chức vào hai ngày, 27 và 28-12-2010, trong không khí toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm năm (2006 - 2010), lập thành tích chào mừng Ðại hội lần thứ XI của Ðảng.

Cùng với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của năm 2010, Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng, tiếp nối truyền thống của bảy lần Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước. Với tinh thần phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ðại hội có nhiệm vụ tổng kết phong trào thi đua yêu nước và kết quả thực hiện chính sách khen thưởng của Ðảng và Nhà nước ta năm năm qua; tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước và đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trong giai đoạn 2011 - 2015.

 

Năm năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh lại liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Nền kinh tế nước nhà đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HÐH; kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu nêu trên, có sự đóng góp một phần quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí, hình thức thi đua từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị. Ðặc biệt, sau khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa X) phát động Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', phong trào thi đua yêu nước được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp được kiện toàn, củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả, các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt.

 

Năm năm qua, Ðảng, Nhà nước, MTTQ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Ðiểm nổi bật là nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Ðảng, Chính phủ phát động nhân dân cả nước nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2006 - 2010) theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động: Phong trào thi đua 'Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi', phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phong trào thi đua cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...   

 

Các bộ, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', 'Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng', thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững  

 

Các ngành kinh tế đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia; thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn... cùng nhiều phong trào thi đua sôi nổi khác đã thu hút hàng triệu công nhân, nông dân, người lao động hăng hái tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch từng năm. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô được ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7%, dự báo năm 2010 đạt khoảng 6,7%, năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế vẫn được giữ vững và phát triển.

 

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều phong trào thi đua đã phát triển đều khắp, mang lại hiệu quả xã hội tích cực, tiêu biểu là các phong trào thi đua trong giáo dục; thi đua nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; thi đua thực hiện các mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo; thi đua xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao...

 

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phong trào 'Thi đua quyết thắng', thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' gắn với phong trào 'Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân'... luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao trình độ và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào thi đua trong các ngành nội chính cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị, Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên.

 

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả, tiêu biểu là Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư', phong trào thi đua 'Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi', 'Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc', 'Cựu chiến binh gương mẫu'... đã khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp nhau trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.

 

Công tác khen thưởng trong những năm qua đã có bước tiến bộ theo hướng bám sát về tiêu chuẩn, đối tượng khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Năm năm qua, các cấp, các ngành đã duy trì bình xét các danh hiệu thi đua, tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua, kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng kịp thời các thành tích đột xuất trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khen thưởng các tấm gương dũng cảm trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, những cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một số bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn tới việc khen thưởng cho đối tượng là người lao động, công nhân, nông dân trực tiếp lao động sản xuất. Qua các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã được phát hiện, tổng kết, bồi dưỡng và nhân rộng. Sau khi được tuyên dương, phong tặng, hầu hết các điển hình tiên tiến đều tiếp tục phát huy tác dụng, có ảnh hưởng tốt trong xã hội, giữ vững và vươn lên đạt được thành tích cao, nội bộ đoàn kết, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Mặc dù phong trào thi đua được các bộ, ngành, địa phương, triển khai đồng bộ, song mới tập trung ở khối các cơ quan hành chính và doanh nghiệp có vốn Nhà nước; một số chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng chưa triển khai đồng bộ tới cơ sở. Phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào. Trong chỉ đạo, nhiều nơi chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan, từ đó hạn chế hiệu quả của các phong trào thi đua... 

 

Thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung thực hiện mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây: Phong trào thi đua phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực..., giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn như ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, xóa đói, giảm nghèo... Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua yêu nước, tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng gắn kết với thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Kết luận số 83 ngày 30-8-2010 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39 ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) 'Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến', chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong khen thưởng. Thi đua khen thưởng phải thật sự là động lực to lớn và là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới, tăng cường khen thưởng cơ sở và người lao động trực tiếp, chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm