Cập nhật: 16/02/2011 22:27:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến ngày hôm nay (16/2), các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Sáng nay (16/2), Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Đương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XI, nghị quyết đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống. Với ý nghĩa quan trọng đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các đại biểu dự Hội nghị quán triệt kỹ các văn bản của TW, tỉnh tới toàn thể nhân dân. Đề cao vai trò của cấp ủy đảng trong công tác giới thiệu nhân sự. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử HĐND tới toàn thể nhân dân, nhằm nêu cao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị đã được phân công xây dựng các phương án đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. Đồng chí cũng yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

 

Ngày 15-2, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016.

 

Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Các cấp, ngành khẩn trương triển khai Hội nghị cấp huyện, thị xã, thành phố trước ngày 19-2, tổ chức quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đúng Chỉ thị, Kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc, theo dõi quá trình thực hiện ở các cấp. Các địa phương tổ chức thực hiện tốt ý nghĩa cuộc bầu cử, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sáng suốt lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, đủ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tập trung lãnh đạo làm tốt công tác nhân sự, tổ chức tốt Hội nghị hiệp thương trên cơ sở bảo đảm người được giới thiệu phải có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác khiếu nại của nhân dân, ngăn chặn sự lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, làm trái đường lối của Đảng, Nhà nước, giải quyết kịp thời các dấu hiệu phức tạp về an ninh nông thôn, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả bầu cử, nhằm đạt kết quả bầu cử cao nhất.

 

Sáng 15-2, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND TP Hà Nội (gọi tắt là ủy ban bầu cử) tổ chức phiên họp đầu tiên sau khi thành lập để thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên và thông qua kế hoạch triển khai công tác bầu cử toàn TP.

 

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp đã được TƯ và Thường vụ Thành ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất trong 6 tháng đầu năm. Các ngành, các cấp phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ-đúng luật-bình đẳng-an toàn-tiết kiệm, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. Để duy trì hoạt động hiệu quả của Ủy ban bầu cử, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Ủy ban sẽ họp định kỳ 2 tuần một lần, đồng thời thành lập ngay một tổ công tác giúp việc bao gồm các chuyên gia chuyên sâu về bầu cử. Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP đề nghị các thành viên từ nay đến ngày 25-2 phải tập trung làm xong 3 nhóm việc, trong đó có việc hiệp thương lần đầu về cơ cấu, thành phần đại biểu.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm