Cập nhật: 12/03/2011 17:11:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thực hiện quyền giám sát của mình, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đang có nhiều đổi mới, mang lại những hiệu quả thiết thực, đóng vai trò nòng cốt làm cơ sở cho hoạt động giám sát của UBTVQH và thực hiện quyền giám sát tối cao của QH tại Kỳ họp.

Việc hoàn thiện cơ chế giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thông qua việc tổng kết thực tiễn nhiệm kỳ QH Khóa XII là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH trong các nhiệm kỳ tới.

 

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là cơ quan do QH thành lập. Hiệu quả hoạt động được bảo đảm bằng hiệu quả của các phiên họp toàn thể và hoạt động của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban, các tiểu ban, đoàn giám sát, đoàn công tác và của thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban. Trong thực hiện quyền giám sát của mình, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đang có nhiều đổi mới, mang lại những hiệu quả thiết thực, đóng vai trò nòng cốt làm cơ sở cho hoạt động giám sát của UBTVQH và thực hiện quyền giám sát tối cao của QH tại Kỳ họp.

 

Việc hoàn thiện cơ chế giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thông qua việc tổng kết thực tiễn nhiệm kỳ QH Khóa XII là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH trong các nhiệm kỳ tới.

 

Thực trạng giám sát tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH

 

Theo Luật Hoạt động giám sát của QH thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách; giúp QH, UBTVQH thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

 

Khác với UBTVQH, đối tượng giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH không mở rộng đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để giám sát ở Trung ương, các cơ quan của QH phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu ở tất cả các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân liên quan. Thông qua đó, một mặt phục vụ yêu cầu giám sát ở tầng cao (Trung ương), mặt khác có thể nêu các yêu cầu, kiến nghị đối với các địa phương, tổ chức, cá nhân các cơ quan của QH đến nghiên cứu, khảo sát (mặc dù đây không phải là đối tượng giám sát của các cơ quan của QH).

 

Thực tế nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH tập trung chủ yếu giám sát vào đối tượng là các bộ, cơ quan ngang bộ và các chương trình, dự án cụ thể của Chính phủ theo các lĩnh vực phụ trách bằng phương thức được hiểu là giám sát chuyên đề. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã tổ chức giám sát, khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu tại nhiều địa phương. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức 29 đoàn giám sát, 54 đoàn khảo sát tại 57 tỉnh, thành phố; Hội đồng Dân tộc tổ chức 33 đoàn giám sát đến 62 tỉnh, thành phố, 129 huyện thị, 150 xã và rất nhiều thôn bản ở miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động này của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mang lại hiệu quả thiết thực, rất đáng ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước cũng như ĐBQH đánh giá cao.

 

Tuy nhiên, trên thực tế một số chủ thể giám sát (đoàn giám sát) và đối tượng giám sát còn hiểu và áp dụng luật chưa thống nhất và thiếu rõ ràng; trình tự, thủ tục tiến hành còn bất cập, dẫn đến chồng chéo về địa bàn và thời gian giám sát. Đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm tìm ra giải pháp đồng bộ, có căn cứ pháp lý cụ thể hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

 

Nội dung giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH tập trung vào 3 nhóm vấn đề đã được pháp luật quy định là giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH và giám sát hiệu quả hoạt động, năng lực, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước QH.

 

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, do còn thiếu về nhân lực trong khi áp lực của hoạt động lập pháp ngày càng tăng, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương ban hành ngày càng lớn nên việc thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Một số Ủy ban đã sáng tạo kết hợp giữa xem xét thường xuyên với tổ chức tập trung vào các văn bản hướng dẫn thi hành một số luật quan trọng để đôn đốc Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng kết quả nhìn chung còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Nội dung giám sát về hiệu quả hoạt động, năng lực của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm trước QH chưa được tiến hành nhiều. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH chủ yếu giám sát việc tuân thủ chính sách, pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát theo lĩnh vực phụ trách thông qua hai phương thức là giám sát chung (hoặc thường xuyên) và giám sát chuyên đề.

Các hoạt động giám sát này đã được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, quy trình thực hiện tương đối hợp lý, bố trí nguồn nhân lực, thời gian và cân đối các nội dung hoạt động khác; tăng cường sự tham gia của cơ quan tổ chức, các Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố và các chuyên gia nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Đặc biệt, Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban đã tổ chức thực hiện cơ chế giám sát trực tiếp nghe báo cáo giải trình (điều trần) đối với một số bộ, cơ quan ngang bộ tại phiên họp toàn thể. Thực tế này đã mở ra nhiều vấn đề mới cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế với thủ tục, quy trình thống nhất và căn cứ pháp lý cụ thể.

 

Hiện nay, công cụ chủ yếu được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sử dụng để thực hiện quyền giám sát là thành lập Đoàn giám sát để thực hiện giám sát “chuyên đề” về những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát gửi đến UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành được đánh giá tốt về nội dung; những kiến nghị đề xuất có căn cứ thực tiễn đã góp phần giúp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện về chính sách, pháp luật; nhiều đề xuất, kiến nghị đã được UBTVQH, QH chấp thuận và thể hiện trong Nghị quyết của QH.

 

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức giám sát chuyên đề (theo cách hiểu và vận dụng hiện nay của hầu hết các cơ quan của QH). Việc xác định đối tượng, phạm vi giám sát, cơ chế phối hợp thực hiện và trình tự tiến hành hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban còn khác nhau, rất cần được tổng kết hoàn thiện về mặt pháp lý để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

 

Đề xuất, kiến nghị sau giám sát bảo đảm tính khả thi, tạo sự đồng thuận trên diễn đàn QH

 

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong nhiệm kỳ XII được tiến hành khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách, bước đầu có đổi mới về nội dung và hình thức. Hoạt động thẩm tra các báo cáo hàng năm, hoạt động giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết đơn thưc khiếu nại, tố cáo và giám sát chuyên đề ngày một nâng cao về chất lượng và hiệu quả.

 

Hình thức, phương thức tiến hành giám sát được cải tiến và đổi mới, trong đó nhiều nơi đã có sự lồng ghép giữa giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên tạo hiệu ứng tích cực giúp nâng cao chất lượng giám sát của QH. Hệ thống cơ chế giám sát ngày càng được hoàn thiện. Quy trình thủ tục được tiến hành theo quy định của pháp luật. Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan được tăng cường. Các nhận định, đánh giá trong các báo cáo giám sát đã phản ánh sát thực, khách quan tình hình thực tiễn, nêu bật những kết quả đạt được, đặc biệt đã phát hiện những hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những yếu kém trong cơ chế quản lý điều hành cần được khắc phục. Nhìn chung, các đề xuất, kiến nghị bảo đảm tính khả thi, tạo được sự đồng thuận trên diễn đàn QH, góp phần nâng cao vị thế của QH và hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, ủy ban phụ trách.

 

Tuy vậy, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm thực quyền của hoạt động QH, các cơ quan của QH, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước thì hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH còn một số hạn chế. Kỹ năng và phương thức giám sát  cũng như sử dụng công cụ giám sát chưa toàn diện. Kết quả hoạt động thẩm tra các báo cáo của cơ quan thuộc lĩnh vực phụ trách chưa cao. Công tác nghiên cứu, phân loại, xử lý đơn thư chuyển đến cơ quan hữu quan, đôn đốc theo dõi còn thiếu cơ chế phối hợp, kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư còn yếu. Việc giám sát văn bản chủ yếu là kết hợp với giám sát chuyên đề và nhiều khi mới chỉ tập trung vào tiến độ ban hành và số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết mà chưa đi sâu nghiên cứu phát hiện những mâu thuẫn, bất cập về nội dung, thể thức, thẩm quyền ban hành đối với từng văn bản cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Trình tự, thủ tục và cơ chế phối hợp tiến hành khi thực hiện giám sát chưa được quy định cụ thể.

 

Sự phối hợp giữa các cơ quan của QH chưa thật hiệu quả, dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp giữa các Đoàn giám sát. Cách thức tổ chức giám sát về địa phương chưa rõ là “giám sát” hay “khảo sát” nên hoạt động không tránh khỏi vướng mắc, một số mặt còn thiếu cơ chế bảo đảm và trình tự thủ tục nên khó thực hiện trên thực tế hoặc chỉ mang tính hình thức, nhất là một số đối tượng giám sát như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoặc một số lĩnh vực “nhạy cảm” như quốc phòng, an ninh...

Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát theo luật định đã được xác định khá rõ nhưng hiệu quả pháp lý của không ít những kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH chưa được quan tâm thực hiện trên thực tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có việc quy định cơ chế pháp lý để ràng buộc thực hiện đối với các văn bản kiến nghị chưa cao, thiếu cụ thể; cơ chế kiểm tra và chế tài xử lý chưa đủ mạnh sau hoạt động giám sát nên hiệu quả pháp lý sau giám sát chưa như mong muốn.

 

Kiến nghị và giải pháp

 

Trên cơ sở quy định của pháp luật, thông qua tổng kết thực tiễn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, xin kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.

 

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động giám sát, cơ sở pháp lý càng hoàn thiện thì hoạt động càng có hiệu quả. Do vậy, cần khẩn trương tổng kết và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH một cách toàn diện nhằm làm rõ đối tượng giám sát, phạm vi giám sát khắc phục hạn chế chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt động giám sát giữa các cơ quan của QH với Đoàn ĐBQH, HĐND, các Ban của HĐND các cấp; hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của QH tại phiên họp của UBTVQH; hoạt động báo cáo giải trình (điều trần) tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

 

Cần có cơ chế riêng về trình tự, thủ tục, hình thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp của QH và phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để tăng cường giám sát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách; xây dựng cơ chế phù hợp để QH xem xét các báo cáo giám sát của UBTVQH, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH khi kết luận giám sát của các cơ quan này và cơ quan chịu sự giám sát còn có ý kiến khác nhau.

 

Có cơ chế để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có thể sử dụng các chuyên gia ở các cơ quan, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu độc lập; huy động và sử dụng nhiều kênh thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát. Cụ thể hóa hơn trong văn bản pháp quy vai trò chủ trì thẩm tra và vai trò tham gia, phối hợp của các cơ quan của QH trong thẩm tra đánh giá tình hình kinh tế - xã hội cũng như thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức giám sát và khảo sát của các đoàn giám sát tại địa phương đã được thực tiễn kiểm nghiệm là có hiệu lực, hiệu quả, thiết thực khắc phục sự chồng chéo trong phạm vi giám sát của các chủ thể giám sát trong hoạt động giám sát chuyên đề.

 

Về nhận thức tư tưởng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động giám sát từ các cơ quan của QH, các ĐBQH cho đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và trong nhân dân. Có cơ chế tổng hợp tiếp thu phân tích ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước về từng lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phụ trách làm căn cứ để lựa chọn đối tượng, nội dung, phương thức giám sát hợp lý, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng, quyền lợi hợp pháp của nhân dân (đặc biệt là những vấn đề bức xúc, nổi cộm). Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của QH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH với ý nghĩa là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của UBTVQH và QH. Khắc phục tư tưởng nể nang, né tránh ngại va chạm “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động giám sát.

 

Về tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, cần xây dựng chương trình giám sát cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có phương thức giám sát linh hoạt để nhiều thành viên được tham gia; việc cử đoàn công tác khảo sát tại địa phương được thực hiện trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả, đúng luật. Các kiến nghị qua giám sát cần cụ thể, đi thẳng vào các biện pháp nhằm khắc phục những yếu kém, hạn chế của đối tượng giám sát, tránh chỉ đưa ra những kiến nghị chung chung, khó thực hiện. Tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban với các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH hoạt động ở địa phương và các cơ quan hữu quan khác, bảo đảm hoạt động giám sát đạt kết quả cao. Gắn kết hoạt động giám sát với chức năng lập pháp và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Về tổ chức bộ máy, đề nghị UBTVQH sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhất là Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ở Trung ương để tăng cường số lượng thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; tăng cường bộ máy giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban và ĐBQH chuyên trách theo hướng thiết thực, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại với số lượng hợp lý. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức cơ quan tham mưu giúp việc của Ủy ban theo hướng chuyển các Vụ chuyên môn thuộc VPQH sang Vụ trực thuộc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, thiết lập Văn phòng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

 

Về bảo đảm một số điều kiện cho hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, trong điều kiện đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay, bộ máy giúp việc và các chuyên gia đóng vai trò hết sức quan trọng giúp các đại biểu nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm nhiều thời gian. Cần tổ chức những bộ phận chuyên trách phục vụ hoạt động giám sát. Tiếp tục xây dựng chế độ định mức phục vụ cho hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH phù hợp với chế độ, định mức chung trong hoạt động của QH. Có chính sách để các thành viên không chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đề cao trách nhiệm khi tham gia hoạt động của Ủy ban (trong đó có hoạt động giám sát).

 

Quan tâm bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các ĐBQH chuyên trách là thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban và vụ tham mưu giúp việc; có chính sách cụ thể thu hút chuyên gia cho hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. UBTVQH tiếp tục có cơ chế tạo điều kiện để các cơ quan của QH phát huy, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho nhiệm vụ chuyên môn của mình; đồng thời cần có cơ chế bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ phục vụ cho các hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng như từng ĐBQH.

 

Trước đòi hỏi ngày càng cao về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đang từng bước khẳng định vai trò của mình thực sự là lực lượng nòng cốt giúp UBTVQH hoạt động theo quy định của pháp luật, trong đó có hoạt động giám sát, đang được cử tri và nhân dân cả nước đặt niềm tin và kỳ vọng rất lớn, đòi hỏi của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH phải tiếp tục hoàn thiện phương thức cơ chế hoạt động trong lĩnh vực phụ trách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm