Cập nhật: 30/10/2012 00:09:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến 0g ngày 29 - 10, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định đã bị chia cắt do cây, cột điện đổ ngang đường. Nhiều biển quảng cáo, đèn điện trang trí bị gió lốc giật xuống lòng đường. Một số tuyến phố nước ngập gần 1m khiến ô tô không thể đi lại, nước tại các hồ chữa tràn lên mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào thời điểm này.

Thiệt hại sơ bộ của Nam Định được ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đã mất trắng toàn bộ 6.000 ha lúa, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi bồi ngoài biển. Tuy nhiên rất may mắn là thời điểm này vẫn chưa xảy ra thiệt hại về người. Ông Tuấn cho biết toàn bộ các lực lượng của tỉnh được huy động phòng chống bão đều đang ứng trực để đổi phó với tình huồng xấu nhất khi bão đổ bộ.

 

Trước đó, tại Ninh Bình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNTCao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão số 8 tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo công tác triển khai các phương án đối phó với bão số 8, Bộ trưởng đã yêu cầu tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn rà soát kỹ việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chú ý đối tượng người già, trẻ em. Các xã vùng trọng điểm sẵn sàng các phương án cứu hộ cần thiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

 

Bộ trưởng chỉ đạo, sau bão sẽ có mưa lớn, nhiều khả năng trên hệ thống sông Hoàng Long thuộc địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn sẽ xuất hiện lũ lớn. Vì vậy, địa phương cần sẵn sàng phương án ứng phó kịp thời. Tại huyện ven biển Kim Sơn đang có gió giật mạnh cấp 9, cấp 10. Tỉnh đã tăng cường gần 1000 người thuộc các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, quân đội và lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp xuống các địa bàn trọng yếu giúp nhân dân sơ tán tài sản, vật nuôi, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản. Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã cấp 15.000 m2 bạt, 200 bao cát, 100 cuốc, xẻng, 10 nhà bạt để chống bão.

 

Do ảnh hưởng của bão số 8, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9... Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 130mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 113mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 144mm; Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 196mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 136mm. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.

Theo đó, khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình - Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 - 4m.

 

 

 

Theo Hiền Nhi/Báo Công an TP Hồ Chí Minh

Tệp đính kèm