Cập nhật: 18/06/2010 17:00:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính quyền Tổng thống Obama đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan: giành chiến thắng bằng mọi cách trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, trong khi không làm phát sinh thêm những tên khủng bố ngay chính trên đất Mỹ. 

Từ đầu năm 2009 đến nay đã có ít nhất 25 công dân Mỹ bị bắt vì các cáo buộc liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ Dean Boyd cho rằng "các vụ án này chứng tỏ ngày càng có nhiều công dân Mỹ, cả người bản địa và người nhập cư tham gia các tổ chức khủng bố. Đây là một xu hướng đáng báo động. "Các quan chức an ninh đang lo ngại rằng những phản ứng thái quá đối với các vụ tấn công khủng bố có thể gây ra tác động không mong muốn. Các chính trị gia đòi hỏi phải có đạo luật trấn áp khủng bố mạnh mẽ hơn, đồng thời cáo buộc Chính quyền Obama đã quá mềm mỏng trong cách đối phó với khủng bố. Tuy nhiên, càng trấn áp mạnh thì khủng bố lại càng gia tăng các hoạt động trả thù và vòng lẩn quẩn bạo lực sẽ không bao giờ chấm dứt. Đó cũng chính là điều các tổ chức khủng bố mong muốn.

 

Ở bên ngoài, Chính quyền Obama vẫn tiếp tục truy quét các phần tử Al-Qaeda tại Pakistan, Afghanistan, Yemen và Somalia. Trong 17 tháng cầm quyền đầu tiên của mình, ông Obama, CIA và quân đội Mỹ đã tiến hành gần 100 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đối với Taliban và Al-Qaeda; gấp hơn 2 lần so với cả nhiệm kỳ thứ 2 của Bush. Các vụ tấn công này không chỉ tiêu diệt các phần tử khủng bố mà còn gây thương vong cho cả những dân thường vô tội. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, cuộc tấn công bằng tên lửa tại Yemen tháng 12/2009 đã loại bỏ được 14 tên khủng bố nhưng đồng thời cũng khiến 41 dân thường thiệt mạng, trong đó có 14 phụ nữ và 21 trẻ em. Các vụ không kích tại khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan đã chứng minh được tính hiệu quả của nó; một số nhân vật chủ chốt của Al Qaeda đã bị tiêu diệt trong các vụ tấn công này, gần đây nhất là Sheik Saeed Al-Masri, một trong những tên sáng lập Al Qaeda và là người chịu trách nhiệm về tài chính của tổ chức khủng bố này.

 

Tuy nhiên, Tình báo Mỹ có bằng chứng cho thấy các vụ tấn công từ xa cũng có những tác động trái chiều. Cả Shahzad và Najibullah (bị bắt do có âm mưu đánh bom hệ thống tàu điện ngầm New York năm 2009) đều khai rằng một trong những động cơ của chúng là muốn trả thù những vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Một số thành viên của phong trào thánh chiến Hồi giáo tại Afghanistan cho biết Taliban vốn không muốn tấn công trực diện vào Mỹ cho đến khi quân đội Mỹ bắt đầu bắn giết các thủ lĩnh và một số thành viên gia đình của họ. Một nhân viên tình báo cấp cao dấu tên của Taliban nói: "Người Mỹ tấn công chúng tôi ngay tại đất nước chúng tôi, ngay tại làng chúng tôi và thậm chí ngay tại nhà chúng tôi. Vậy tại sao chúng tôi lại không tấn công họ ngay tại nước Mỹ".

 

Ở trong nước, một số người Mỹ gốc Hồi giáo bị phân biệt đối xử, thậm chí bị nghi ngờ dính líu tới chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và là đối tượng của các hành động do thám, gián điệp. Bên cạnh đó, những người Mỹ gốc Hồi giáo thuộc thế hệ thứ 2, 3 hoặc những người mới theo đạo Hồi thường gặp khó khăn về việc làm nhưng lại luôn mong muốn chứng tỏ mình. Số đối tượng này đã bị thuyết phục bởi những tên Hồi giáo cực đoan và bị tác động bởi những đoạn video trên mạng Internet về cảnh người Hồi giáo bị ngược đãi và những người trẻ tuổi theo phong trào thánh chiến đã chiến đấu chống lại một cách dũng cảm. Cuối cùng, họ đã quyết định tự nguyện tham gia các tổ chức khủng bố để chống lại nước Mỹ.

 

Chính quyền Obama giờ đây đã thức tỉnh và cảnh giác hơn nhằm tránh các hành động phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Trong dự thảo báo cáo về đối phó với nguy cơ khủng bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn RAND đã thay thuật ngữ "Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" bằng cụm từ "Chủ nghĩa cực đoan bạo lực". Chính quyền thậm chí còn phản đối công khai chiến lược chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bởi họ không muốn xem cộng đồng Hồi giáo là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. John Brennan, Cố vấn của Tổng thống về các vấn đề chống khủng bố khẳng định "Cho dù có hùng mạnh đến đâu nhưng không một quốc gia nào có thể ngăn được các nguy cơ khủng bố". Ông nhấn mạnh nguy cơ này đối với Mỹ nghiêm trọng hơn bởi những tên khủng bố có thể lợi dụng sự tự do và mở cửa của xã hội Mỹ để hành động. Tuy nhiên, nếu các vụ tấn công xảy ra thì Chính quyền cũng không nên có những phản ứng quá khích bởi như vậy sẽ kích động các phần tử khác đứng lên trả thù.

 

 

Theo Thế giới & Việt Nam

Tệp đính kèm