Cập nhật: 12/08/2010 15:59:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung Quốc đang phải đối phó đợt lũ lụt lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua, đã làm gần 4.000 người chết hoặc mất tích từ đầu năm đến nay. Còn tại nước láng giềng Pa-ki-xtan, đợt lũ lụt lớn nhất trong vòng 80 năm qua ở nước Nam Á này đã làm hơn 1.600 người chết. Chính phủ hai nước đã và đang làm tất cả những gì có thể để chống đỡ những đợt lũ dữ dội và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, các trận lũ lụt từ đầu năm đến ngày 11-8 ở nước này đã làm  gần 4.000 người chết hoặc mất tích, hơn 12 triệu người phải sơ tán, ảnh hưởng 140 triệu người ở 28 tỉnh trên cả ba miền bắc, trung và nam Trung Quốc, gây thiệt hại về kinh tế hơn 28 tỷ USD. Ðầu tháng 8-2010, Chính phủ Trung Quốc ra chỉ thị nêu rõ công tác chống lũ lụt đã bước vào giai đoạn trọng yếu và yêu cầu tất cả các chính quyền địa phương nỗ lực hết sức để chống lũ lụt. Hàng chục nghìn binh sĩ quân đội và cảnh sát vũ trang đã được huy động chống lũ lụt và tham gia công tác cứu trợ.

 

Ngày 10-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng CS Trung Quốc triệu tập hội nghị, do Tổng Bí thư Hồ Cẩm Ðào chủ trì, thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả của trận lũ bùn đặc biệt nghiêm trọng ở huyện Châu Khúc, tỉnh Cam Túc, tây-bắc nước này, xảy ra sáng 8-8. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến Châu Khúc để chỉ đạo công tác cứu trợ. Tính đến chiều 10-8, số người chết do lũ bùn ở đây đã lên tới 702 người. Lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 1.200 người, khoảng 1.000 người còn mất tích.

 

Chính quyền tỉnh Cát Lâm, đông-bắc Trung Quốc, cho biết lũ lụt diễn ra ở tỉnh này kể từ tháng 6 vừa qua đến ngày 10-8 đã làm 85 người chết, gần hai triệu người phải sơ tán, ảnh hưởng hơn sáu triệu người, thiệt hại kinh tế lên tới 48,1 tỷ nhân dân tệ (7,07 tỷ USD). Ðáng lo ngại là cuối tháng 7 vừa qua, mưa lớn nhấn chìm một nhà kho của hai nhà máy hóa chất ở tỉnh này, cuốn trôi hơn 7.000 thùng hóa chất xuống sông Tùng Hoa (dài 1.900 km, là phụ lưu lớn nhất của sông Hắc Long, biên giới tự nhiên phân chia Trung Quốc và Nga), gây hoảng loạn trong dân chúng ở tỉnh láng giềng Hắc Long Giang, do lo ngại con sông này bị ô nhiễm.

 

Trong khi đó, khu vực miền nam Trung Quốc đang phải hứng chịu lượng mưa lớn chưa từng có trong hơn 100 năm qua, khiến mực nước trên sông Dương Tử (còn gọi là Trường Giang, tuyến đường thủy dài nhất Trung Quốc) dâng nhanh, dòng sông chảy mạnh gấp hàng chục lần so với bình thường. Ðập Tam Hiệp (tỉnh Hồ Bắc), đập nước lớn nhất thế giới hiện nay, đang phải đối mặt thử thách lớn đầu tiên về chức năng kiểm soát lũ trên sông Dương Tử - một trong những luận cứ chủ chốt để xây dựng con đập này. Hồ chứa của đập Tam Hiệp đã tăng lưu lượng xả nước từ 34.000 m3/giây lên 40.000 m3/giây sau khi lưu lượng nước trên sông Dương Tử chảy vào hồ chứa ngày 20-7 vừa qua lên mức kỷ lục 70.000 m3/giây, cao hơn tới 20.000 m3/giây so với tốc độ dòng nước trong trận lũ năm 1998 làm hơn 4.000 người chết và 18 triệu người phải sơ tán. Sáng 28-7 vừa qua, mực nước tại hồ chứa đã dâng cao tới 158 m, chỉ còn 17 m nữa là đạt công suất tối đa 175 m của hồ này. Nếu nước hồ chứa của đập Tam Hiệp tràn ra ngoài, vùng hạ lưu sông Dương Tử sẽ bị ngập nước. Dư luận đang rất lo ngại trước khả năng chống đỡ của đập Tam Hiệp vì theo dự báo, sau cơn bão Chan-thu đổ bộ vào Trung Quốc vừa qua, nước này sẽ còn phải đối mặt sáu đến tám cơn bão nữa trong năm nay. Nhà chức trách đập Tam Hiệp khẳng định con đập sẽ an toàn vượt qua thử thách hiện nay vì mặc dù dòng chảy nước lũ đạt đỉnh nhưng vẫn chưa vượt quá mức thiết kế là 100.000 m3/giây.

 

Nhật báo Trung Quốc dẫn lời nhà chức trách đập Tam Hiệp cho biết, mỗi ngày có tới 3.000 tấn rác được thu lượm ở con đập, nhưng vẫn không thể dọn sạch tất cả số rác bị lũ cuốn trôi xuống đập. Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, khoảng 50.000 m2 mặt nước hồ chứa của đập đã bị che phủ bởi những khối rác có độ dày lên tới 60 cm. Khối lượng rác khổng lồ ở khu vực đập có thể gây hại cảnh quan và chất lượng nguồn nước, đồng thời chặn các cổng đập, cản trở tàu thuyền lưu thông trên sông Dương Tử. 

 

Tại Pa-ki-xtan, ngày 9-8 vừa qua, LHQ cho biết, với khoảng 13,8 triệu người bị ảnh hưởng, đợt lũ lụt hiện nay ở nước Nam Á này đã gây ra những hậu quả tồi tệ hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, động đất ở Pa-ki-xtan năm 2005 và trận động đất xảy ra gần đây ở Ha-i-ti. Các trận lũ lụt ở Pa-ki-xtan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.600 người trong vòng chưa đầy hai tuần. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cho biết, sẽ sớm kêu gọi viện trợ giúp Pa-ki-xtan. Hiện các nhà tài trợ nước ngoài đã cam kết viện trợ 93 triệu USD cho Pa-ki-xtan. Ðầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ Pa-ki-xtan đã phải họp khẩn cấp để đánh giá mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra và đẩy mạnh công tác cứu trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng. Quân đội đã huy động máy bay lên thẳng và xuồng cứu hộ để sơ tán người dân, song mưa lớn đã cản trở các hoạt động này. Mùa mưa ở Pa-ki-xtan thường kéo dài ba tháng, đến giữa tháng 9. Lượng mưa năm nay lớn hơn khoảng 25-30% so với mức trung bình.

 

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm