Cập nhật: 29/11/2010 16:37:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vụ đấu pháo hôm 23/11 vừa rồi giữa binh lính Triều Tiên và Hàn Quốc ở khu vực phi  quân sự là một trong những vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai nước trong vòng 50 năm qua.

Quân đội Nhân dân Triều  Tiên đã nã hàng chục quả đạn pháo về phía hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến hai binh lính và hai dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Hàng chục người khác bị thương. Hàn Quốc đã bắn đáp trả 80 quả đạn pháo. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc đã châm ngòi cho cuộc đối đầu mới nhất giữa họ nói trên.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lúc này khiến cộng đồng thế giới đặc biệt lo ngại. Nhiều người đã nghĩ đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh liên Triều mới và cuộc chiến tranh này sẽ biến thành thế chiến thứ III với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc. Liệu kịch bản đáng sợ này có xảy ra hay không?

 

Đấu pháo ác liệt nhất trong nhiều thập kỷ

 

Bất kỳ cuộc thảo luận nào về nguyên nhân của cuộc xung đột gần đây giữa hai miền Triều Tiên đều cần phải xem xét trên một loạt những nhân tố tạo nên tình hình hiện nay ở bán đảo Triều Tiên.

 

Giữa Hàn Quốc và Triều Tiên từng có một cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm, từ 1950-1953. Rất tiếc là cuộc chiến tranh nay mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp định hòa bình. Vì thế, về mặt lý thuyết, giữa hai miền Triều Tiên vẫn đang có chiến tranh với nhau.

 

Hàn Quốc và Triều Tiên được chia cắt bởi một khu vực phi quân sự. Đây là nơi thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc xung đột trên biển, trên đất liền và trên không giữa binh lính hai miền. Hồi tháng 3, một tàu chiến của Lực lượng Hải quân Hàn Quốc – tàu Cheonan, đã bị chìm sau một tiếng nổ bí ẩn ở khu vực gần biên giới biển tranh chấp giữa hai nước. Thảm họa hàng hải này đã cướp đi sinh mạng của 46 thủy thủ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác của vụ chìm tàu Cheonan dù Seoul cáo buộc tàu ngầm của Triều Tiên bắn ngư lô đánh chìm tàu của họ. Sau vụ việc này, tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái “căng như dây đàn”. Hàn Quốc đã cùng với đồng minh Mỹ tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung nhằm răn đe Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những lời đe dọa đáp trả mạnh mẽ.

 

Khi những căng thẳng xung quanh vụ chìm tàu Cheonan còn chưa ngớt hẳn thì giữa Hàn Quốc và Triều Tiên lại nổ ra một vụ đấu pháo ác liệt. Không rõ động cơ của Triều Tiên là gì khi thực hiện cuộc tấn công bằng đạn pháo vào Hàn Quốc. Rất có thể, Bình Nhưỡng đã bị khiêu khích bởi một cuộc trận của Hàn Quốc đang diễn ra gần bờ biển Triều Tiên vào thời điểm đó. Bình Nhưỡng coi cuộc tập trận này là một cuộc tấn công. Hãng tin Yonhap trích lời một đại diện của chính quyền Hàn Quốc cho biết: "Quân đội của chúng tôi đang diễn tập thì Triều Tiên gửi cho chúng tôi một thông điệp với nội dung phản đối cuộc tập trận và hỏi xem liệu đó có phải là một cuộc tấn công hay không."

 

Có lẽ, chỉ huy đơn vị pháo binh của Triều Tiên đã mất bình tĩnh và gây ra vụ tấn công đạn pháo vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, lời giải thích này có vẻ không hợp với những thực tế diễn ra. Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 200 quả đạn pháo đã được bắn ra. Nếu chỉ đơn giản là một vụ bắn đạn pháo do bột phát vì mất bình tĩnh thì Triều Tiên không thể bắn ra quá nhiều quả đạn pháo như vậy.

 

Có một lời giải thích khác cho vụ tấn công mới nhất vừa rồi của Triều Tiên vào Hàn Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng, hành động của Triều Tiên hôm 23/11 là một phần của trò chơi chính trị phức tạp đang diễn ra trong hàng ngũ giới lãnh đạo Triều Tiên. Trò chơi này là để đánh bóng cho hình ảnh người kế nhiệm Chủ tịch Kim Jong Il và quyết định chiến lược trong tương lai gần của đất nước Triều Tiên. Dù là vì động cơ gì thì cuộc tấn công bằng đạn pháo của Triều Tiên vào Hàn Quốc đã khiến cộng đồng thế giới hết sức lo ngại. Một số người thậm chí còn nghĩ đến viễn cảnh về một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới và tiếp theo đó sẽ là thế chiến thứ III? Liệu kịch bản đáng sợ này có xảy ra hay không?

 

Sau đấu pháo là chiến tranh?

 

Câu trả lời cho câu hỏi trên phụ thuộc vào một số yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phản ứng của Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của Hàn Quốc và Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên.

 

Về phần mình, Triều Tiên không thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng với Hàn Quốc sau vụ đấu pháo nói trên. Lý do đơn giản là Bình Nhưỡng sợ một cuộc chiến tranh mà chắc chắn là họ sẽ thua. Đối thủ của Triều Tiên có sức mạnh quân sự vượt trội hơn họ và bản thân Triều Tiên không có được sự trợ giúp của các nước bên ngoài. Dù sở hữu vũ khí hạt nhân và một đội quân được đánh giá là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới nhưng Triều Tiên vẫn còn thua xa các đối thủ tiềm năng về vũ khí hiện đại. Khoảng cách về mức độ tinh vi và hiện đại giữa vũ khí Triều Tiên với vũ khí Hàn Quốc và Mỹ phải từ 1 tới 3 thế hệ. Triều Tiên sẽ không thể sánh với đối thủ về các hệ thống thông tin, phát hiện, tìm kiếm mục tiêu và tấn công.

 

Không nước nào, thậm chí là cả Trung Quốc, sẽ cung cấp vũ khí cho Triều Tiên. Mặc dù ngành công nghiệp vũ khí của Triều Tiên đã đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực sản xuất các tên lửa đạn đạo nhưng nước này lại không đủ khả năng để cung cấp cho quân đội số lượng vũ khí hiện đại cần thiết để đương đầu với Hàn Quốc.

 

Chưa kể, theo các chuyên gia, Triều Tiên không thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của quân đội nên các đơn vị di động và không quân của nước này hầu như không được chuẩn bị  trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

 

Tuy nhiên, không phải chỉ mình Triều Tiên không muốn có một cuộc chiến tranh. Bản thân Hàn Quốc cũng không muốn tình hình leo thang đến mức biến thành một cuộc chiến tranh. Mỹ có thể hậu thuẫn để đảm bảo cho Hàn Quốc có thể giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào chống lại  Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến thắng đó sẽ được đổi bằng cái giá rất đắt. Trước hết, trong một cuộc chiến tranh liên Triều, luôn có nguy cơ là Triều Tiên sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân. Khi đó, sẽ chẳng ai có thể tượng tượng được mức độ hủy diệt của cuộc chiến tranh liên Triều nếu nó thực sự xảy ra. Ngoài ra, một cuộc chiến tranh cũng sẽ đẩy nền kinh tế vốn đang khó khăn của Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Và những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh chính là những người ra quyết định chiến tranh. Họ sẽ phải hứng chịu sự trút giận từ chính những người dân của mình.

 

Với Mỹ cũng vậy. Giới lãnh đạo ở Washington cũng không muốn một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới bởi điều đó sẽ cực kỳ có hại đối với Mỹ. Nước Mỹ giờ đây không thể “gánh” nổi thêm một cuộc chiến tranh nữa sau hai cuộc chiến tranh cực kỳ tốn kém và không hiệu quả ở Iraq và Afghanistan.

 

Cũng giống Mỹ, Trung Quốc không bao giờ muốn xảy ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên bởi điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến họ. Một nước Triều Tiên rối loạn sẽ gây ra làn sóng hàng nghìn người dân nước này nhập cư vào Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, nếu Triều Tiên thua trận, chính quyền Bình  Nhưỡng đổ vỡ thì điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc mất đi một vùng đệm an toàn. Quân đội Mỹ sẽ tràn vào đóng đô ngay bên cạnh Trung Quốc, trở thành một mối đe dọa an ninh to lớn với nước này.

 

Tất cả những lý do trên khiến cho viễn cảnh về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là không thể xảy ra vào thời điểm này.

 

 

 Theo VnMedia

 

Tệp đính kèm