Cũng giống như người say hay bị kích động nếu các bên không giữ được bình tĩnh, không thể kiềm chế nổi trong các trường hợp xung đột nhỏ lẻ thì rất dễ biến báo đảo Triều Tiên thành một chiến trường khốc liệt.
Thông tấn Yonhap đưa tin, ngày 30/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội nước này có kế hoạch chính thức đưa ra những quy tắc tác chiến để quân đội có cơ sở để tiến hành các biện pháp đối phó với các đòn tấn công hay đe dọa xuất phát từ quân đội Bắc Triều Tiên.
Theo những quy tắc tác chiến có thể được thông qua, quân đội Hàn Quốc có quyền đáp trả các đòn tấn công hay đe dọa của Bình Nhưỡng dựa trên mức độ nguy hiểm của những đe dọa hay mức độ thiệt hại của các hành động tấn công do Bắc Triều Tiên gây ra.
Động thái trên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh giới chức quân đội nước này đang bị dư luận trong nước chỉ trích rất gay gắt vì những phản ứng yếu kém của lực lượng vũ trang khi đối phó với hành động tấn công của Bình Nhưỡng trong nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là vụ đấu pháo hôm 23/11 vừa qua khiến 2 quân nhân và 2 thường dân Hàn Quốc thiệt mạng.
Trong một động thái khác liên quan đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của thông tấn Nikkei cho biết đầu tháng 12 tới đây 3 bộ trưởng ngoại giao của 3 đồng minh Mỹ - Nhật – Hàn sẽ nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Theo nguồn tin thân cận mà thông tấn Nikkei có được, nhiều khả năng cuộc họp của 3 ngoại trưởng vào ngày 6/12 tới có thể sẽ tập trung vào việc thúc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn cản, yêu cầu Triều Tiên phải có trách nhiệm trong vụ nã pháo vào đảo của Hàn Quốc cách đây không lâu.
3 đại diện ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ - Nhật – Hàn cũng sẽ cùng nhau thảo luận đề nghị của Trung Quốc về tổ chức một phiên họp nhằm nối lại các vòng đàm phán 6 bên nhằm mục đích yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân của nước này.
Tại Washington, một quan chức của Nhà Trắng đã lên tiếng xác nhận tin cho rằng 3 bộ trưởng ngoại giao Trung – Nhật – Hàn sẽ nhóm họp vào đầu tháng 12 tới.
Tình hình bán đảo Triều Tiên trong gần một năm qua liên tục có những diễn biến bất thường, đặc biệt đã có những sự kiện khiến dư luận quốc tế lo ngại sâu sắc như vụ chìm chiến hạm Cheonan trên biển Hoàng Hải và gần đây nhất là vụ đấu pháo nghiêm trọng ngày 23/11…
Tuy nhiên, từ những sự kiện căng thẳng ấy có thể nhận thấy một điều rằng cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều không muốn vượt quá giới hạn của những cuộc xung đột nhỏ lẻ để đẩy hai miền vào một cuộc xung đột tàn khốc như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Có những lúc bán đảo Triều Tiên như ở vào thế sắp xảy ra chiến tranh, tuy nhiên qua cách hành xử có thể nhận thấy khi nào Hàn Quốc “cương” thì Bắc Triều Tiên lại “nhu” và ngược lại.
Điều này không có gì khó hiểu bởi cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên và ngay cả các bên “hữu quan” đều nhận thấy, chiến tranh khốc liệt vào thời điểm này sẽ không có lợi lộc gì.
Với Bắc Triều Tiên, hiện tại đang là thời điểm khó khăn về kinh tế. Nổ ra một cuộc chiến với miền nam sẽ càng đẩy nền kinh tế của nước này rơi vào tình trạng kiệt quệ. Còn với Hàn Quốc và ngay cả Mỹ, một cuộc chiến tranh nổ ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sinh mạng chính trị của ông Lee Myung-bak, Tổng thống Barack Obama.
Đáng chú ý, hiện nay uy tín của nước Mỹ đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là hậu quả của hai cuộc chiến mà liên quân do Mỹ cầm đầu ở Iraq và Aghanistan đang bị sa lầy. Gần đây nhất là những tiết lộ ngoại giao nhạy cảm trong hàng trăm ngàn trang tài liệu do trang Wikileaks tung ra.
Nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, nước Mỹ sẽ không thể đứng ngoài bỏ mặc Hàn Quốc. Như vậy, nếu một cuộc chiến nữa bùng nổ ở Đông Á sẽ khiến uy tín của nước Mỹ ngày càng suy giảm, quân đội và nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu thêm những nhiệm vụ và thiệt hại nặng nề.
Thêm vào đó, Đông Á là một khu vực nhạy cảm, địa bàn có sự ảnh hưởng tương đối lớn của Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng mạnh nhất ở châu lục.
Những mối quan hệ lợi ích, chính trị đan xen, ràng buộc lẫn nhau tại khu vực là rào cản vô hình ngăn ngừa một cuộc xung đột tàn khốc có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm hiện nay.
Có thể nhận định rằng, trong tương lai gần khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên mặc dù sẽ và tiếp tục có những căng thẳng khiến dư luận quốc tế lo ngại, đặc biệt, khi các vòng đàm phán 6 bên chưa được nối lại, khi các bên hữu quan chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cam kết đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Á chưa đạt được.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, cũng giống như người say hay bị kích động nếu các bên không giữ được bình tĩnh, không thể kiềm chế nổi trong các trường hợp xung đột nhỏ lẻ thì rất dễ biến báo đảo Triều Tiên thành một chiến trường khốc liệt và hậu quả của nó sẽ vô cùng khó lường bởi Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân còn Seoul cũng có một kho vũ trang cực mạnh…
Theo VTCNews