Cập nhật: 12/12/2010 13:56:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các cuộc tập trận diễn ra có nghĩa hàng chục triệu thậm chí cả tỷ USD đổ ra để quân đội "chơi trận giả" vì thế chỉ có các siêu cường quốc quân sự mới kham nổi, còn các quốc gia khác không phải vì tình thế bức bách thì không dám bày quân xanh-đỏ để đấu pháo hay giáp la cà bằng xe tăng…

Võ luyện là hoạt động quân sự cần thiết của quân đội quốc gia. Phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế, ngân sách quốc phòng, tình hình trong khu vực, nhiệm vụ trong nước, quan hệ trong liên minh quân sự (nếu có) các cuộc tập trận sẽ được tổ chức theo các tần suất, quy mô, kịch bản và ở địa điểm khác nhau.

 

Nói chung bất cứ cuộc tập trận nào có quy mô phối hợp các binh chủng đều nằm trong "vòng ngắm" của các cơ quan tình báo quân sự nước ngoài vì qua đó có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về sức mạnh quốc phòng cũng như "sách trắng" của quốc gia đó trong lĩnh vực quân sự và nhất là cơ hội hiếm hoi để "bắt bài" đối phương một cách công khai từ vệ tinh cho tới gián điệp nằm vùng.

 

Tiêu tiền để răn đe hay khuếch trương?

 

Khi hệ thống các nước XHCN còn tồn tại, Liên bang Xôviết cùng đồng minh đã từng tổ chức thường xuyên các cuộc tập trận cho khối Warszawa trên một không gian trải dài từ Tây sang Đông. Sau khi Liên Xô không tồn tại nữa, khó khăn về kinh tế đã buộc các phi công chiến đấu Nga phải cắt bớt giờ bay huấn luyện chứ đừng nói tới việc tổ chức thao diễn quân sự trên quy mô quân khu.

 

Tình trạng kinh tế trì trệ lúc đó đã khiến cho quân đội Nga "lực bất tòng tâm" đứng nhìn nhiều quốc gia ngang nhiên thâm nhập vào khu vực địa lý của mình tại Bắc Cực. Thế nhưng chỉ sau khi kinh tế được vực dậy - có tiền rót cho ngân sách quốc phòng - ngay lập tức Moskva đã tiến hành chỉ trong năm 2010 khoảng mười cuộc tuần tra tại Bắc Cực. "Việc răn đe chiến lược có tác dụng nhằm chứng minh sự hiện diện quân sự của lực lượng vũ trang Nga ở Bắc Cực" và Tư lệnh Hải quân Nga Vladimir Vysotsky còn nhấn mạnh: "Hải quân Nga sẽ chiến đấu với tất cả các đối thủ vì vùng biển ở Bắc Cực".

 

Tàu sân bay "khủng" USS George Washington của Mỹ.

 

Vậy chi phí cho một cuộc tập trận hết bao nhiêu tiền? Phải nói ngay rằng đến cả "kiểm toán điện tử" cũng không thể trả lời được câu hỏi này. Người phụ trách có thể đưa ra dự toán số tiền chi cho mỗi người lính tham gia tập trận, số chi phí cần thiết để điều động các phương tiện chiến tranh tham gia tập trận bắn đạn thật… nhưng không thể định giá được cơ hội biến chiến trường thành bãi thử nghiệm các loại vũ khí bí mật trong điều kiện sát với thực tế chiến đấu cũng như đánh giá các kịch bản, phương án chiến tranh trên thực địa và các biện pháp mới trong trinh sát, phản trinh sát với sự tham gia của hệ thống vệ tinh quân sự lẫn mức độ sẵn sàng chiến đấu hay hỗ trợ của toàn bộ lực lượng vũ trang trong toàn quốc phòng các sự cố không có trong kịch bản xảy ra...

Tháng 7/2008, để cuộc tập trận phối hợp đầu tiên sau chiến tranh lạnh giữa các nước Grudia, Armenia, Azerbaijan và Ukraine mang tên gọi "Phản ứng tức thì" có thể diễn ra với sự tham gia của 1.650 quân nhân tại khu vực gần Thủ đô Tbilisi thì riêng Mỹ đã tài trợ tới 8 triệu USD.

 

Tháng 9/2010, 6.700 binh sỹ đến từ 9 nước châu Âu là Áo, Đức, Pháp, Italy, Ireland, Thụy Sĩ, Slovenia, Serbia và Montenegro tham gia cuộc diễn tập quân sự mang tên "Tiến bộ châu Âu 2010" tại khu vực quân sự ở  Allentsteig thuộc bang Lower miền Bắc nước Áo cũng đã ngốn tới một khoản tiền trên 4,5 triệu euro. Hai cuộc tập trận trên có quy mô không lớn và có thể gọi là cuộc tập trận chiến thuật để đối phó với một cuộc khủng hoảng xảy ra trên lãnh thổ một quốc gia.

 

Theo đó, sự can thiệp vũ trang chỉ ở mức răn đe không cho chiến sự leo thang và bảo vệ thường dân là nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng "giá thành" cũng ngót nghét từ 10 tới 20 triệu USD. Còn các cuộc tập trận mang quy mô chiến tranh tổng lực có sử dụng vũ khí tấn công chiến thuật cho tới hủy diệt với đầu đạn hạt nhân có thể tiêu tới tỷ USD. Để tránh tốn kém, các cuộc tập trận như vậy được dàn dựng trên "màn hình máy tính".

 

Phương tiện khoa học này tuy rất hiện đại, không tốn kém, bí mật với nhiều kịch bản và phương án xử lý mau lẹ nhưng vẫn là "giáo án trên sa bàn" và vì thế một khi có những sự kiện đầy kịch tính, quan trọng xảy ra thì tập trận gần "khu vực nóng" trên được tổ chức là biện pháp tiêu tiền tỷ một cách hợp lý nhất để phô diễn sức mạnh quân sự nhằm răn đe đối phương.

 

Mỹ là nước tham gia nhiều cuộc tập trận nhất

 

Năm 2010 được xem là cao trào của các cuộc tập trận quân sự kể từ thế chiến II tới nay và châu Á -Thái Bình Dương là điểm thao diễn nóng nhất địa cầu với hàng chục cuộc tập trận - song phương, đa phương có quy mô lớn nhất trong lịch sử.

 

Chỉ riêng giữa Mỹ và Hàn Quốc đã có hơn 10 cuộc tập trận lớn bé trong đó có những cuộc thao diễn hoành tráng nhất trên biển với sự tham gia của tàu sân bay "khủng" USS George Washington trọng tải 97.000 tấn và khoảng 200 chiến đấu cơ có cánh cố định cùng 8.000 lính lục quân, không quân, hải quân và lính thủy đánh bộ từ hai nước nhằm thực hành chiến trận chống ngầm chưa từng thấy trên biển Hoàng Hải và biển Nhật Bản…

 

Ngoài các cuộc tập trận chung ra, Hàn Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật tại 29 địa điểm xung quanh nước này, gồm cả trên hòn đảo gần vùng hải giới tranh chấp với CHDCND Triều Tiên trên Hoàng Hải. Tháng 7, quân đội Singapore (SAF), Hải quân Mỹ (USN) và Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) tiến hành diễn tập quân sự trên biển mang tên CARAT-2010...  

 

Mới đây nhất, Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước tới nay nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ với biệt danh "Kiếm sắc" trong sự tham gia của 44.000 binh sĩ, 60 tàu chiến và 400 máy bay của hai bên, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington của Mỹ cùng hạm đội tàu khu trục có tên lửa Aegis dẫn đường và phi đội chiến đấu cơ F-15 của Nhật.

 

Cuộc tập trận này đang diễn ra ở ngoài khơi phía Nam của Nhật và gần bờ biển Hàn Quốc bỗng nhiên được lệnh "tắt máy và ngừng" ngay lập tức. Washington lẫn Tokyo đã "thót tim" khi thình lình 2 máy bay Il-38 của hạm đội Thái Bình Dương thuộc Nga đột nhập vào biên trận tiền để ghi hình và thu thập mật mã hệ thống thông tin liên lạc của liên quân trong lúc quân đội hai nước đang thực hiện các bài tập đánh trả các đòn tấn công của máy bay tiêm kích đối phương bằng tàu được trang bị hệ thống Aegis và đánh chặn tên lửa đạn đạo.

 

Động binh, động đao ở mức độ nào, dưới hình thức nào đều gây căng thẳng cho hòa bình thế giới. Chỉ khi sắt thép tạo nên một hạm đội cho tới viên đạn được nấu chảy thành nguyên liệu để chế tạo máy kéo, dầm cầu… thì khi đó thiên đường-nơi không có mâu thuẫn, xung đột vì quyền lợi mà chỉ có bác ái và hạnh phúc - mới về trên Trái đất.

 

 

Theo CAND Online

 

Tệp đính kèm