Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại xuất hiện thêm yếu tố phức tạp mới khi Nhật Bản tuyên bố đang thảo luận với Hàn Quốc về việc gửi lực lượng phòng vệ đến bán đảo Triều Tiên.
Báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Naoto Kan đã đưa ra tuyên bố trên vào tối 10-12 trong cuộc gặp với gia đình các nạn nhân đang bị buộc phải lưu trú tại CHDCND Triều Tiên. Ông Kan cho hay, hiện tại chưa có quy định nào cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới Hàn Quốc để giải cứu những người Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
Tuy nhiên, ông nói thêm Tokyo đang xúc tiến thảo luận với Seoul để lực lượng Nhật Bản có thể thực hiện hoạt động giải cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Khỏi phải nói tuyên bố này gây chấn động thế nào bởi nó có thể sẽ vi phạm Hiến pháp và Bộ luật về lực lượng phòng vệ của Nhật Bản được soạn thảo từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo đó cấm đưa quân đội Nhật Bản ra nước ngoài. Hơn thế, nó lại được đưa ra vào thời điểm bán đảo Triều Tiên đã đứng bên bờ vực chiến tranh sau vụ đấu pháo giữa hai miền Bắc - Nam.
Lâu nay, trong vai trò là một bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ngoài mối quan tâm chung là giải giáp chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Tokyo còn có nhu cầu riêng là giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc trong thời “chiến tranh lạnh”.
Khởi đầu từ những tin đồn, các vụ bắt cóc đã trở thành sự thật khi tại cuộc hội đàm lịch sử với Thủ tướng Nhật Bản Koizumi hồi tháng 9-2002, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il thừa nhận, một số binh sĩ vì quá muốn lập công nên đã thực hiện các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản suốt những năm 1970-1980. Ông Kim cho biết, có 8 nạn nhân đã chết, 4 người hiện còn sống ở Bình Nhưỡng có thể được trở về quê hương, 1 người thì hoàn toàn không có thông tin.
Việc giải quyết vấn đề người Nhật Bản bị bắt cóc lập tức trở thành mối quan tâm chính của Tokyo trên bàn đàm phán 6 bên. Đến thời Thủ tướng Y. Fukuda, việc làm rõ số phận của những công dân Nhật Bản bị bắt cóc được Tokyo coi như bước đi đầu tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, thời điểm được coi là “chín muồi” để Tokyo tiến hành thương lượng với Bình Nhưỡng đã bất ngờ bị phá vỡ bởi những diễn biến theo chiều hướng xấu trên bán đảo Triều Tiên.
Với tuyên bố của Thủ tướng Naoto Kan, giờ đây sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Triều Tiên đã không dừng ở những đòi hỏi trên bàn đàm phán, mà có thể là biện pháp quân sự trên thực tế. Hôm 11-12, Tokyo lại tiếp tục tuyên bố có kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn tiên tiến PAC-3 để chống lại mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.
Hệ thống tên lửa PAC-3, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đang bay tới Nhật Bản, sẽ được triển khai tại cả sáu nhóm tên lửa phòng không của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, so với ba nhóm như hiện nay. Căng thẳng tiếp tục leo thang theo chiều hướng xấu .
Theo Báo điện tử ANTĐ