Cập nhật: 07/06/2011 16:11:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các phát biểu của một số đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) cho thấy tình trạng căng thẳng tại Biển Đông đã trở thành mối quan tâm của thế giới. Nguyên nhân của tình trạng này  là các tranh chấp lãnh thổ với những vụ đụng độ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.  

Những ngày qua người ta được chứng kiến  một loạt các hành vi xâm pham chủ quyền lãnh hải nước khác một cách ngang ngược và thô bạo của Trung Quốc. Cả Việt Nam và Philippines đều tố cáo tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải và cho rằng hành động của Bắc Kinh làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm.

Sau khi bị Việt Nam phản đối về vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu và ngang nhiên cắt dây cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petro Viet Nam khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam và tiếp đó là việc Hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại bị Philippines tố cáo đã nổ súng vào ngư dân Philippines, hù dọa một tàu thăm dò dầu khí của Philippines và xây các trạm gác và một phao trong khu vực thuộc chủ quyền Philippines. Theo Manila, « những hành động của tàu Trung Quốc cản trở hoạt động đánh cá chính đáng và bình thường của ngư dân Philippines trong vùng và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực vực. Tổng thống Philippines Begnino Aquino cho biết, Manila sẽ đệ trình lên Liên Hợp Quốc về các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Philippines. Philippines cũng đã yêu cầu Bắc Kinh nói rõ chi tiết về kế hoạch lắp đặt giàn khoan khổng lồ trên Biển Đông, như đã được loan tải trên báo chí nhà nước của Trung Quốc.

 

Mặc dù tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói rằng ông biết nhiều người có khuynh hướng nghĩ là với tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc trở nên một mối đe dọa quân sự. nhưng đó không phải là lựa chọn của Bắc Kinh, Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm sự bá quyền hoặc đe dọa nước khác. Thế nhưng các sự kiện diễn ra trên Biển Đông thời gian qua khiến người ta thấy lời nói có  khi không đi đôi với việc làm. Sự kiện  tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nêu ra tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La vừa qua. Cũng tại diễn đàn này Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin Voltaire công khai tuyên bố rằng « một số hành động của các nước khác đã làm cho các quốc gia như Philippines phải lo lắng và quan ngại. Ông Gazmin nêu lên thí dụ về việc ngư dân bị tàu chiến nước ngoài cảnh cáo buộc họ phải rời khỏi khu vực. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines  ra thông cáo phản đối một loạt vụ việc như Hải quân Trung Quốc nổ súng vào ngư dân Philippines, hù dọa một tàu thăm dò dầu khí của Philippines, xây các trạm gác và một phao trong khu vực thuộc chủ quyền Philippines. Theo Manila, “những hành động của tàu Trung Quốc đã cản trở hoạt động đánh cá chính đáng và bình thường của ngư dân Philippines trong vùng và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực“.

 

Để lý giải các hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc, nhà phân tích quốc phòng Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage Foundation tại Washington cho rằng, tình hình căng thẳng gia tăng mới đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang trắc nghiệm vùng biển  này với Việt Nam hoặc Hoa Kỳ. Ông Dean Cheng nói; “Dường như Trung Quốc đang triệt để can dự vào chuyện thúc đẩy để nhận toàn bộ chủ quyền trên vùng này và họ có vẻ như chẳng thèm để ý xem họ đang dẫm chân lên những ai.” Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định, những vụ việc đã và đang xảy ra cho thấy tình hình ở Biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại. Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc “đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines.” Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Tư lệnh Bộ chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Nhân dịp này ông  Robert Willard cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc trường Ðại học New South Wales của Australia, cho rằng: “Hành động cắt dây cáp của Trung Quốc trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm luật biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về Luật Biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về Biển Đông.” Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh, tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

 

Để Biển Đông bình yên, các bên lên quan cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc”. Trước mắt các bên cần hết sức kiềm chế để không xảy ra các va chạm vì điều đó có thể gây  bùng nổ xung đột quân sự 

 

 

 

 

Theo Báo điện tử Đại đoàn kết

Tệp đính kèm