Trước những đóng góp quan trọng của đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (đề án 322), việc tiếp tục được kéo dài đề án này là mong mỏi chung của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ trong cả nước.
Kiến nghị tiếp tục đề án 322 đã được các đại biểu thống nhất tại Hội nghị tổng kết đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2000-2011 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (9/12). Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu.
Một đề án đem lại lợi ích lớn
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong thời gian 10 năm, đề án đã đào tạo được 4590 người đi học đại học và sau đại học tại 832 cơ sở đào tạo ở 34 nước, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo thuộc nhóm 50 trường hàng đầu trên thế giới. Trong số đó có 2268 người đi học tiến sĩ (49,41%), 1182 người đi học thạc sĩ (25,75%), 240 người đi thực tập và 900 người đi học đại học. So với chỉ tiêu đề ra của đề án tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tỷ lệ tiến sĩ 50%, thạc sĩ 25%) thì kết quả đã gần đạt mục tiêu. Chỉ tiêu dành cho thực tập khoa học thấp hơn 10% so theo đề án do ít ứng viên đăng ký đi thực tập sinh. Riêng chỉ tiêu đi học đại học vượt 4% so với chỉ tiêu.
Đề án 322 trong 10 năm qua đã và đang đào tạo cho trên 150 trường ĐH, CĐ một lực lượng đáng kể giảng viên có trình độ sau ĐH cho các trường trọng điểm. Đội ngũ giảng viên này dần kế nhiệm công việc của lớp cán bộ trước đây, góp phần nâng cao chất lượng của các trường ĐH và góp phần thực hiện CNH-HĐH đất nước.
Đánh giá về hiệu quả đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, qua báo cáo của lưu học sinh về kết quả học tập, nghiên cứu, phản ảnh của ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài và ý kiến của các cơ sở đào tạo ở nước ngoài thì hầu hết lưu học sinh theo đề án 322 đều chăm chỉ và học tập đạt kết quả cao. Rất nhiều lưu học sinh được phía nước ngoài hỗ trợ thêm về điều kiện học tập, sinh hoạt. 95% lưu học sinh hoàn thành kế hoạch học tập và về nước đúng thời gian quy định; 2% số lưu học sinh học chuyển tiếp lên bậc cao hơn hoặc được mời ở lại làm việc, thực tập để nâng cao trình độ chuyên môn và được cơ quan chủ quản cho phép. Chỉ có 3% số lưu học sinh về nước chậm và chưa làm báo cáo tốt nghiệp về nước, trong đó 1 số lưu học sinh xin gia hạn…
Đại diện các cơ quan cử người đi đào tạo theo đề án 322 cũng đánh giá cao hiệu quả của đề án 322 và cho rằng đây là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên, giảng viên, cán bộ được học tập và nghiên cứu ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Đội ngũ lưu học sinh tốt nghiệp về nước đã bổ sung thêm vào đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao tại cơ quan. Đặc biệt, số cán bộ này có trình độ ngoại ngữ tốt, là đầu mối liên hệ với các giáo sư nước ngoài, đem về các dự án hợp tác nghiên cứu cho cơ quan.
Tuy nhiên, đề án 322 cũng có những khó khăn, hạn chế như việc hỗ trợ bồi dưỡng ngoại ngữ cho các ứng viên còn chưa được chú trọng đúng mức; việc điều chỉnh mức sinh hoạt phí còn chậm; công tác quản lý lưu học sinh ở nước ngoài còn gặp khó khăn do thiếu biên chế tạo cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là người của Bộ GD&ĐT; việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với những lưu học sinh không trở về cơ quan cũ làm việc hoặc ở lại nước ngoài và lưu học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập gặp nhiều khó khăn; chưa có đầu mối thống nhất quản lý nhà nước trong đào tạo nước ngoài.
Đề xuất tiếp tục triển khai đề án đến năm 2020
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã đề nghị xem xét cho phép đề án được tiếp tục thực hiện tuyển sinh đến hết năm 2014 và kết thúc vào năm 2020 với số lượng và chỉ tiêu bằng với số lượng và chỉ tiêu đã được phê duyệt theo đề án 322 nhưng với cơ cấu chỉ tiêu thay đổi. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tiến sĩ là 200 chủ yếu dành cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, NCKH; 1000 thạc sĩ (bao gồm đào tạo cho các trường ĐH, CĐ và các cơ quan nhà nước, ưu tiên đào tạo nguồn cho đề án 911); 200 chỉ tiêu ĐH, 100 chỉ tiêu tuyển tiếp sinh thạc sĩ và tiến sĩ; 100 thực tập sinh.
Về phương thức sẽ đào tạo theo hình thức toàn thời gian ở nước ngoài là chính. Riêng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ sẽ dành tối đa là 15% cho diện đào tạo phối hợp.
Trong giai đoạn này, việc đào tạo tiến sĩ chỉ tập trung dành cho các đối tượng không phải là giảng viên ĐH, CĐ, trong tổng số chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ sẽ dành khoảng 75% cho đối tượng giảng viên ĐH, CĐ để tạo nguồn cho việc đào tạo tiến sĩ theo đề án 911 và 25% còn lại cho tất cả các đối tượng khác theo quy định của đề án. Riêng chỉ tiêu đào tạo ĐH sẽ bao gồm các nhóm đối tượng diện xuất sắc; chỉ tiêu đào tạo thực tập sinh thực hiện như quy định của đề án 322. Tỷ lệ chỉ tiêu học bổng dành cho khối cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không quá 10% tổng chỉ tiêu chung hàng năm.
Việc kéo dài đề án 322 cũng là kiến nghị chung của các đại biểu. Đặc biệt, GS.Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước còn kiến nghị kéo dài đề án này đến năm 2045.
Đồng tình với các kiến nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải đề xuất một đề án mới về việc cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trình Chính phủ chậm nhất 15/2/2012. Đề án này sẽ tập trung vào phần đề án 911 chưa đáp ứng được và tập trung bồi dưỡng những tài năng về nghệ thuật cho đất nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngoài việc đưa người đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cần khai thác thêm năng lực của địa phương, doanh nghiệp; đồng thời gợi ý Cục đào tạo với nước ngoài cân nhắc triển khai thí điểm làm dịch vụ giúp người dân tham gia du học tự túc và nên có một trang web tập hợp danh sách lưu học sinh làm nguồn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Ngoại giao nhằm cân đối lượng người cử đi học trên 1 nước, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ hơn cho các trường ĐH, CĐ, đảm bảo sự tham gia rộng rãi hơn của các trường.
Theo Hiếu Nguyễn / GD & TĐ Online