Lực lượng Hải quân Mỹ đã tuyên bố sẽ không nhân nhượng cho bất cứ hành động nào gây cản trở tuyến đường biển vận chuyển dầu mỏ quan trọng, sau khi Iran dọa sẽ chặn tuyến đường này tại eo biển Hormuz.
Tranh cãi xung quanh eo biển Hormuz nổ ra sau khi Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi cảnh báo rằng "sẽ không có một giọt dầu nào được đi qua eo biển Hormuz” nếu như lệnh cấm vận được mở rộng, và theo phía Hải quân Iran thì việc đóng cửa eo biển là một việc hoàn toàn "dễ dàng”.
Lời cảnh báo của Iran không gây rối loạn trên thị trường dầu mỏ thế giới, tuy nhiên giá dầu đã dao động dù một quan chức từ phía Ảrập Xêút nói rằng các quốc gia vùng Vịnh sẵn sàng bù lại lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Eo biển Hormuz là tuyến đường biển kết nối vùng Vịnh - các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới như Bahrain, Kuwait, Qatar, Ảrập Xêút và các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) – với Ấn Độ Dương. Khoảng 40% lượng dầu xuất ra thế giới mỗi ngày đều phải thông qua tuyến đường biển quan trọng này.
Từ lâu Mỹ vẫn luôn duy trì sự hiện diện của hải quân tại khu vực vùng Vịnh để đảm bảo tuyến đường vận chuyển dầu mỏ được lưu thông. Eo biển Hormuz không chỉ có vai trò quan trọng đối với an ninh và sự ổn định trong khu vực, mà còn là một tuyến giao thông kinh tế huyết mạch đối với các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có cả Iran.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nhấn mạnh "việc gây căng thẳng trong vùng Vịnh không hề mang lại lợi ích”, và nói thêm rằng: ông bất ngờ về mọi hành động thù địch nhắm vào các tàu hải quân của Mỹ.
Các quốc gia phương Tây ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với Iran qua vấn đề hạt nhân của nước này. Mỹ và các đồng minh thân cận luôn tin rằng Tehran sử dụng các chương trình phát triển hạt nhân dân sự như một lớp vỏ bọc che đậy việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Phía Iran đã nhiều lần lên tiếng phản bác lập luận này, cho rằng chương trình làm giàu uranium của họ nhằm sản xuất điện năng và các đồng vị phóng xạ phục vụ điều trị ung thư.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật cấm mọi hoạt động kinh doanh liên quan tới Ngân hàng Trung ương Iran. Tổng thống Barack Obama cũng nói rằng ông sẽ chấp nhận ký vào dự luật này bất chấp những bất cập nó có thể mang lại.
Trong vài tháng gần đây, Iran đã có nhiều động thái quân sự quyết liệt nhằm đáp trả lại áp lực từ phía Washington và Israel. Hải quân Iran hiện vẫn đang tiến hành một cuộc tập trận lớn kéo dài 10 ngày tại tuyến đường biển vận chuyển dầu chiến lược này bắt đầu từ thứ 7 tuần trước, trong đó tập hợp nhiều khí tài quân sự hiện đại như tàu ngầm, tên lửa, ngư lôi và cả máy bay không người lái. Cuộc tập trận diễn ra trên khu vực biển trải dài 2.000 km từ phía đông eo biển Hormuz, phía bắc Ấn Độ Dương đến vịnh Aden – gần khu vực Biển Đỏ - nhằm phô trương sức mạnh hải quân và đưa chiến thuyền tới gần vùng biển có sự hiện diện của hải quân Mỹ.
Gần đây, các kênh truyền thông Iran cũng mô tả cách thức vận hành hải quân tại vùng eo biển Hormuz, trong đó nói rằng họ sẽ sử dụng phối hợp các loại tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa chống tàu, ngư lôi, tên lửa đất đối biển và máy bay không người lái để ngăn chặn mọi con tàu đi qua eo biển hẹp này. Hải quân Iran đã tuyên bố rằng đang có trong tay loại tàu ngầm "tàng hình” có thể tránh sự phát hiện của các thiết bị định vị, thiết kế riêng để hoạt động trong vùng Vịnh, với khả năng hạ bất kỳ một tàu nào đi qua.
Đáp lại cảnh báo từ phía Iran, Người phát ngôn Hạm đội 5, Hải quân Mỹ đã nói họ "luôn sẵn sàng để đáp trả mọi hành động ác ý”.
Việc Iran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz phần nào cho thấy Tehran đang lo sợ trước viễn cảnh Washington quyết tâm áp đặt các lệnh cấm vận nhằm trừng phạt các chương trình hạt nhân của họ; trong đó mục tiêu của các lệnh cấm vận này chủ yếu làm giảm kim ngạch xuất khẩu dầu – một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt đối với nền kinh tế của Iran.
Thêm nữa, đóng cửa tuyến đường biển quan trọng này trước mắt có thể gây thiếu nguồn cung dầu mỏ trên thế giới và các con tàu chuyên chở sẽ phải chọn một hành trình xa hơn, do đó đẩy giá dầu mỏ lên cao. Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại rằng biến động tại eo biển Hormuz sẽ mở ra một cuộc xung đột vũ trang, gây ảnh hưởng khôn lường cho thị trường dầu mỏ thế giới.
Theo Khánh Duy/ ĐĐK Điện Tử