Cập nhật: 04/01/2012 15:16:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, Iran đã yêu cầu quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Cathơrin Astơn (Catherine Ashton) đề xuất thời gian và địa điểm để nối lại đàm phán hạt nhân giữa nước với các cường quốc thế giới (Nhóm P5+1), vốn bị đình trệ từ một năm qua.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Ramin Mêmanparát (Ramin Mehmanparast), tuyên bố một khi thời gian và địa điểm được EU công bố, Trưởng đoàn đám phán hạt nhân Iran, ông Xaét Gialili (Saeed Jalili), và các nhà đàm phán nước này sẽ đưa ra quan điểm của mình và qua các kênh tiếp xúc, hai bên sẽ có được một thoả thuận cuối cùng.

 

Ngoài ra, quan chức ngoại giao Iran cũng thông báo một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tới Têhêran (Tehran) theo lời mời của Iran. Thời điểm cho chuyến thăm này đang được đàm phán.

 

Nhóm P5+1 gồm các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Anh cùng Đức. HĐBA đã áp đặt nhiều trừng phạt, cấm vận với Iran vì chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của nước này mà Têhêran vẫn luôn bác bỏ.

 

Trong phản ứng của mình, ngày 3/1, EU đã từ chối yêu cầu trên. Ông Maicơn Men (Michael Mann), người phát ngôn của bà Astơn, nói rằng "trái bóng đang nằm trong phần sân của Iran", đồng thời nhấn mạnh EU luôn đợi câu trả lời của Têhêran đối với bức thư mà quan chức này đã gửi tới lãnh đạo Iran hồi tháng Mười năm ngoái. Người phát ngôn này nhấn mạnh EU sẵn sàng đàm phán nghiêm túc nhưng trước hết, Iran phải trả lời bức thư đó.

 

Trong bức thư, bà Astơn đã yêu cầu Iran chứng tỏ thiện chí trả lời về những lo ngại liên quan đến bản chất của chương trình hạt nhân của nước này.

 

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 3/1, Ngoại trưởng Pháp Alanh Giuýppê (Alain Juppe) nói rằng Iran vẫn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và hối thúc thế giới có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Theo ông Giuýppê, báo cáo gần nhất của IAEA thể hiện rất rõ điều này và đây là lí do Pháp muốn có những biện pháp cấm vận mạnh tay hơn. Ngoại trưởng Pháp cũng nói rằng Tổng thống Nicôla Xáccôdi (Nicolas Sarkozy) đã đề xuất phong tỏa các tài sản của ngân hàng trung ương Iran cũng như cấm Têhêran xuất khẩu dầu mỏ, một động thái mà EU cũng đang cân nhắc.

 

Liên quan tới các động thái quân sự tại vùng Vịnh, hãng thông tấn bán chính thức Fars ngày 3/1 dẫn lời Tư lệnh Quân đội Iran Ataolan Xalêhi (Ataollah Salehi) cảnh báo nước CH Hồi giáo này sẽ hành động nếu tàu sân bay của Mỹ quay trở lại khu vực này. Ông Xalêhi cảnh báo Oasinhtơn (Washington) không nên đưa tàu sân bay quay trở lại Vịnh Pécxích (Persian) và Têhêran "không có thói quen cảnh báo thêm một lần nữa".

 

Trong khi đó, Nga đã có phản ứng đầu tiên về việc Iran tiến hành loạt vụ thử tên lửa gần tuyến hàng hải vận chuyển dầu quan trọng ở Eo biển Hoócmút (Hormuz). Ngày 3/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Vadim Côvan (Vadim Koval) khẳng định Iran không có tên lửa tầm xa.

 

Phát biểu với hãng thông tấn Interfax, ông Côvan khẳng định Iran không có công nghệ chế tạo các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung hoặc tầm xa. Quan chức này cũng đồng thời nêu rõ trong thời gian tới Têhêran (Tehran) cũng không thể có được những tên lửa như vậy.

 

Trước đó, ngày 2/1, Iran thông báo đã phóng thử ba quả tên lửa gần tuyến hàng hải vận chuyển dầu ở vùng Vịnh trong bối cảnh các cường quốc phương Tây chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Hai quả tên lửa trong số này có thể có tầm bắn tối đa 200 km, thường được coi là các vũ khí tầm ngắn, song giới truyền thông Iran và người phát ngôn lực lượng hải quân nước này miêu tả một trong số tên lửa này là tên lửa "tầm xa". Tên lửa còn lại là tên lửa đối hạm Nasr có tầm bắn 35 km./.

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm