Cập nhật: 07/01/2012 14:03:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những diễn biến về chính trị, kinh tế, xã hội tại châu Âu - khu vực vốn nổi tiếng “hòa bình và thịnh vượng” trên thế giới luôn thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu tại châu Âu trong năm 2011 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng tại châu Âu

 

Cuộc "đại khủng hoảng nợ công" tại châu Âu bắt nguồn từ Ireland, sau đó đã lan sang Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí cả Italia, quốc gia thuộc G7 và là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu…Cuộc khủng hoảng này không chỉ đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu và để lại tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục vốn “mong manh” của nền kinh tế toàn cầu, mà còn khiến cho chính trường nhiều nước châu Âu chao đảo. Sau khủng hoảng chính phủ ở Ireland, Thủ tướng Hy Lạp G. Papandreou buộc phải từ chức, đến lượt Thủ tướng Italia Berlusconi phải ra đi... Những khó khăn về kinh tế đã khiến nhiều tổ chức tín dụng uy tín trên thế giới ồ ạt hạ mức tín nhiệm của nhiều nền kinh tế châu Âu. Khủng hoảng đã dẫn tới sự chia rẽ trong các quyết định của châu Âu đối với tình hình thế giới. Một châu Âu thống nhất có nguy cơ không trở thành hiện thực khi một số quốc gia đã và đang có ý định tách khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

 

2. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu

 

Sau cuộc khủng hoảng nợ công, những thảm họa, thiên tai trong năm 2011 tiếp tục để lại nhiều gánh nặng đối với nền kinh tế châu Âu.

 

* Năm 2011, nước Pháp đã trải qua một tháng 4 với nhiệt độ trung bình cao hơn tới 4,0°C so với mức trung bình được tính toán trong giai đoạn 1971 – 2000. Một nửa diện tích miền Bắc nước Pháp "đã phải gánh chịu mức hạn hán chưa từng có trong vòng 50 năm vừa qua". Năng suất nông nghiệp cũng vì thế mà sụt giảm ít nhất 50%.

 

Trong khi đó, các hãng hàng không châu Âu lại phải chịu thêm một phen khốn đốn sau khi núi lửa Grimsvotn của Ireland thức giấc, phun một lượng tro bụi khổng lồ vào không khí và tạo ra các cột khói bụi cao tới hơn 20 km lên bầu trời vào hôm 21/5. Hoạt động của ngọn núi lửa nằm ở trung tâm sông băng Vatnajokull đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải rút ngắn chuyến thăm Ireland và đến thăm Anh sớm hơn dự kiến. Công ty Vận tải hàng không British Airway (BA) đứng đầu trong danh sách những công ty chịu thiệt hại nhiều nhất sau đợt phun trào của núi lửa Grimsvotn. Tiếp đến là Công ty Vận tải hàng không KLM của Hà Lan và một số công ty vận tải hàng không của Ireland. Nhiều chuyến bay ở Na Uy, Đan Mạch, Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

 

3. Bầu cử Duma Quốc gia Nga với thắng lợi của Đảng Nước Nga thống nhất.

 

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) ngày 09/12 đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) diễn ra ngày 04/12 vừa qua. Đảng Nước Nga thống nhất đã giành được 238 trong tổng số 450 ghế tại Duma quốc gia mới, 92 ghế thuộc về các đại biểu của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Nước Nga công bằng giành được 64 ghế, còn Đảng Dân chủ Tự do giành được 56. Với kết quả này, Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền của Thủ tướng Putin giành được 49,23% phiếu bầu, vẫn là đảng chiếm đa số trong Duma. Tuy nhiên, kết quả này cho thấy, uy tín của Đảng nước Nga thống nhất đã suy giảm so với nhiệm kỳ trước (chiếm 64% phiếu bầu); đồng thời, với số ghế này, Đảng Nước Nga thống nhất cũng bị mất quyền chủ động lập hiến trong Duma quốc gia mới khi không chiếm được đa số tuyệt đối.

 

Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga cũng cho thấy vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Nga, khi Đảng này chiếm được 19% số ghế trong Hạ viện.

 

4. Bạo loạn ở Thủ đô London (Anh)

 

 Bạo loạn ở vùng ngoại ô Tottenham, phía bắc London bùng nổ trong đêm thứ bảy ngày 6/8, sau vụ Mark Duggan, 29 tuổi, bị cảnh sát bắn chết hai ngày trước đó. Cuộc bạo loạn nhanh chóng lan sang các khu vực khác của London và nhiều thành phố lớn của nước Anh. Nhiều tòa nhà, xe cộ và điểm đỗ xe buýt đã bị thiêu rụi. Cửa hàng và nhà hàng bị cướp phá, còn cảnh sát hứng chịu bom xăng. Những kẻ tham gia vào đốt phá, hôi của, đã không ngần ngại tấn công trực diện vào lực lượng cảnh sát, thậm chí qua các mạng xã hội. Họ còn kêu gọi bạo động ở khắp nơi trên nước Anh. Đây là một thử thách nặng nề đối với London, nơi sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè năm 2012. Ở một góc độ khác cho thấy, bạo loạn xảy ra ở nước Anh cũng xuất phát từ một phần nguyên nhân của sự phức tạp, bất bình đẳng, mất công bằng trong xã hội hiện đại.

 

5. Khủng bố ở Nauy phát đi hồi chuông cảnh báo về hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố

 

 Trong khi các thế lực Hồi giáo nổi lên ở Trung Đông, Bắc Phi, thì bóng ma của tư tưởng bài Hồi và cực hữu đang tìm lại lý do tái xuất ở châu Âu. Ngày 22/7/2011, Na Uy, một quốc gia vốn từ lâu được biết đến như là một trong những quốc gia yên bình nhất thế giới, nơi hàng năm vẫn diễn ra lễ trao giải thưởng Nobel danh tiếng, đã chìm trong không khí đau thương khi có tới trên 100 người bị thiệt mạng và bị thương trong hai vụ tấn công được thực hiện bởi Anders Behring Breivik - kẻ có biểu hiện không bình thường về tâm lý và có quan điểm cực hữu. Thủ phạm đã cho nổ bom ở gần toà nhà văn phòng của Thủ tướng Na Uy tại thủ đô Oslo và đóng giả cảnh sát xả súng sát hại nhiều người tại đảo Utoya. Người dân Na Uy hoảng loạn, lo lắng cho sự an toàn của chính mình và người thân.

 

Vụ tấn công tại Nauy đã phát đi một hồi chuông cảnh báo đối với toàn thế giới về sự biến hóa của chủ nghĩa khủng bố và mục tiêu tấn công của nó. Mối lo ngại này ngày càng gia tăng trong bối cảnh cuộc sống của người châu Âu bị phủ bóng đen bởi suy thoái kinh tế, thất nghiệp và khủng hoảng nợ công. Chủ nghĩa cực hữu cực đoan sẽ là trọng tâm mới mà các cơ quan tình báo và an ninh trên khắp châu Âu phải quan tâm.

 

6. Nga và Mỹ thông qua START mới

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 5/2/2011 đã trao đổi văn kiện phê chuẩn để Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới chính thức có hiệu lực. START quy định rõ số lượng và trình tự hai bên sẽ cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược của mình, cũng như cơ chế kiểm soát quá trình cắt giảm này. START mới có hiệu lực 10 năm kể từ ngày Quốc hội hai nước phê chuẩn, và có thể gia hạn năm năm mỗi lần. START mới quy định sau 7 năm thực hiện, Nga và Mỹ đều giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị và số phương tiện phóng các đầu đạn này (đã triển khai và chưa triển khai) xuống còn 700-800 đơn vị. Cả hai phía Nga và Mỹ đều coi sự kiện ký START mới là bước chuyển đổi sang một mức cao hơn trong hành động phối hợp Nga-Mỹ về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hiệp ước này cũng đáp ứng lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi bên, nhưng không tạo ưu thế cho bất kỳ bên nào. Hiệp ước mới giữa Nga và Mỹ được cả thế giới đón đợi và hoan nghênh, được xem như là nền tảng của an ninh toàn cầu trong thời gian tới.

 

7. Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thêm thành viên mới

 

 Từ ngày 1/1/2011, Estonia trở thành thành viên thứ 17 của Eurozone (khu vực sử dụng chung đồng tiền châu Âu). Quyết định về việc này đã được các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của 27 nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua ngày 13/7/2010.

 

Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính 16 nước thành viên Eurozone đã phê chuẩn việc Estonia chuyển sang sử dụng đồng euro.

 

Sau khi Estonia được chính thức kết nạp vào EU, tối 1/12, tại Brussels (Bỉ), với 564 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 32 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã tiếp tục thông qua quyết định cho phép Croatia gia nhập EU. Theo quyết định trên của EP, tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 8-9/12 ở Brussels, các bên liên quan đã ký một thoả thuận cho phép Croatia có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Balkan gia nhập EU vào ngày 1/1/2013.

 

8. Pháp làm chủ tịch nhóm G20 và nhóm G8

 

 Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của hai nhóm nước - hai diễn đàn quốc tế lớn nhất này, Pháp có kế hoạch thúc đẩy cải cách hệ thống tiền tệ thế giới và thông qua các biện pháp kiểm soát hoạt động của thị trường nguyên liệu quốc tế. Pháp cũng có kế hoạch thành lập Ban thư ký của nhóm G20. Hai ưu tiên quan trọng của nhiệm kỳ Chủ tịch nhóm G20 của Pháp là: Đấu tranh chống tình trạng bất ổn của hệ thống tiền tệ quốc tế và sự leo thang giá của các loại nguyên nhiên liệu trên thế giới. Đây được xem là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề của Pháp trong bối cảnh tình hình kinh tế châu Âu và thế giới có nhiều biến động.

 

Các nhà phân tích cho rằng, những vai trò và năng lực Pháp thể hiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G20 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Tổng thống Sarkozy cũng như khả năng tái cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào năm 2012.

 

9. Nga chính thức gia nhập WTO sau 18 năm đàm phán khó khăn

 

Ngày 16/12, Nga đã chính thức ký văn kiện tham gia tổ chức Thương mại thế giới WTO sau 18 năm ròng rã đàm phán. Việc Nga chính thức trở thành thành viên thứ 154 của WTO đã xóa bỏ một nghịch lý tồn tại từ lâu trong tổ chức này: Một nền kinh tế lớn trị giá hơn 1,9 nghìn tỉ USD, nằm trong nhóm G20, tập hợp 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh, một quốc gia có kho vũ khí lớn thứ hai thế giới lại phải đứng bên ngoài WTO!

 

Sự gia nhập WTO của Nga đã thiết lập một kỷ lục mới, chưa một quốc gia nào có tiến trình gia nhập WTO lâu như “gã khổng lồ” này. Trước đây, quốc gia phải chờ lâu nhất là Trung Quốc cũng chỉ có 15 năm đàm phán. Tổng thống Nga Dimitry Medvedev tuyên bố, việc Nga gia nhập WTO là một sự kiện có lợi cho Nga và cho cả các đối tác thương mại tương lai của Nga. Tổng thống Nga cũng cho rằng, cần phải phát triển một hệ thống thương mại công bằng, hiệu quả và tăng cường các thể chế đa phương quốc tế. Ông Medvedev khẳng định, Nga sẵn sàng đóng góp với khả năng có thể vào công việc này.

 

10. Lá chắn tên lửa tại châu Âu tiếp tục đe dọa quan hệ Nga-Mỹ

 

Tổng thư ký NATO – ông Anders Fogh Rasmussen, hôm 3/10 đã nhận định đầy lạc quan rằng, kế hoạch lá chắn tên lửa do Mỹ và NATO lên kế hoạch triển khai tại châu Âu đang dần trở thành hiện thực. Ông Rasmussen cho biết, Ba Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí triển khai các thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của họ.

 

Đáp lại tuyên bố trên, hôm 23/11, Tổng thống Nga Dmitry Mdvedev đã công bố những biện pháp đáp trả mà Nga sẽ áp dụng trong trường hợp Mỹ và NATO triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu mà không tính đến lập trường và lợi ích của LB Nga. Tranh cãi về hệ thống tên lửa của Mỹ từ lâu đã phủ bóng lên mối quan hệ giữa Moscow và Washington. Chính quyền Obama liên tục khẳng định, hệ thống này là cần thiết để chống lại mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran, song Nga lo ngại nó sẽ phá hỏng tiềm năng đánh chặn của các sức mạnh hạt nhân nước này./.

 

 

Theo T.L/Báo Điện Tử ĐCSVN 

 

 

Tệp đính kèm