Trong lúc dư luận đang hy vọng Nga, Trung Quốc dùng quyền thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để phủ quyết bản dự thảo nghị quyết về Syria do phương Tây và Liên đoàn Arab (AL) soạn thảo, sẽ giúp tình hình tại quốc gia Trung Đông này lắng dịu, nhưng những diễn biến vừa qua tại Syria đã không như kỳ vọng.
Mới đây, Mỹ đã đóng cửa sứ quán và rút nhân viên khỏi Syria do quan ngại về làn sóng biểu tình chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng dâng cao. Trong một diễn biến khác, phát biểu tại chương trình "Hôm nay" của NBC được phát sóng cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt và tăng cường sức ép để buộc Chính phủ của Tổng thống B.Assad từ bỏ quyền lực. Thậm chí, Washington còn đề xuất thành lập một liên minh quốc tế ủng hộ phe đối lập ở Syria. Phát biểu với các phóng viên ở Sofia (Bulgaria), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: "Trước một Hội đồng Bảo an không còn sức mạnh, chúng ta phải nhân đôi nỗ lực của mình ngoài khuôn khổ LHQ". Cùng thời gian này, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Daniel Glaser đã đến Nga để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Syria. Các cường quốc phương Tây khác cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm những cách thức mới để trừng phạt chế độ của ông B.Assad...
Các biện pháp của Mỹ và phương Tây siết chặt đã và đang bóp nghẹt chính quyền Damascus, đẩy cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này tới bờ vực của cuộc nội chiến sâu rộng. Số người thiệt mạng tiếp tục tăng, biểu tình lan rộng. Ngày 5-2, hàng trăm người Syria đã tụ tập tại quảng trường chính Saba'a Bahrat ở trung tâm thủ đô Damascus của Syria bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống B.Assad. Những người biểu tình mang theo quốc kỳ Syria, hô vang các khẩu hiệu sẵn sàng hy sinh vì ông B.Assad, không muốn bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và khẳng định nhân dân Syria có thể tự giải quyết các vấn đề của mình.
Trong khi đó, cùng ngày, ít nhất 16 người thiệt mạng và gần 30 người bị thương trong các vụ tấn công do "các nhóm khủng bố" tiến hành. Đã có hơn 6.000 người thiệt mạng tại Syria kể từ thời điểm bắt đầu cuộc nổi dậy chống chính phủ vào tháng 3-2011. Nhiều cơ quan ngoại giao của quốc gia này ở nước ngoài cũng bị tấn công. Ngày 5-2, tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 300-400 người biểu tình Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tụ tập trước cổng tòa lãnh sự ở khu Nisantasi, đã ném đồ vật vào tòa nhà và hô vang khẩu hiệu phản đối chế độ của Tổng thống B.Assad. Trong khi đó, cảnh sát Australia phải sử dụng vũ lực để ngăn những người biểu tình tấn công Đại sứ quán Syria ở thủ đô Canberra. Các vụ tấn công diễn ra sau các vụ việc tương tự ở Athens (Hy Lạp), Berlin (Đức), Cairo (Ai Cập), Kuwait (Kuwait), London (Anh)...
Dư luận cho rằng, ở tình thế "nội công, ngoại kích", chính quyền của Tổng thống B.Assad sẽ rất khó khăn để cứu vãn tình hình khi nguy cơ bạo lực leo thang lan rộng. Hành động bạo lực không thể đem lại tự do và dân chủ thực sự, nhưng đáng tiếc là các nước phương Tây đã không cho Damascus cơ hội để tiến hành các biện pháp cải cách. Những tưởng lá phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc là lời kêu gọi tất cả các bên ở Syria đối thoại, vốn là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng đáng tiếc, hy vọng đó đã không thành hiện thực do những toan tính, mục đích của các nước lớn. Trong một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa binh cho Syria, ngày 7-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrop đã có mặt ở Damascus. Dù nội dung cuộc hội đàm với Tổng thống B.Assad của Ngoại trưởng Nga chưa được tiết lộ, nhưng sự kiện này được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho Syria.
Theo bản dự thảo nghị quyết về Syria vừa bị phủ quyết thì giới chức phương Tây "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của AL để có cái gọi là "quá trình chuyển tiếp dân chủ" tại quốc gia Trung Đông này. Giới phân tích cho rằng, nếu điều này diễn ra, Syria sẽ lại đi theo vết xe đổ của Libya, để rồi đắm chìm trong bạo lực. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn vẫn sẽ là gấp bội với chính quyền của ông B.Assad khi cơn khủng hoảng tại Syria vẫn chưa thấy điểm dừng.
Theo Trung Hiếu/HNM Online