Chiến sự tại Syria leo thang nghiêm trọng, đặc biệt ở thủ đô Damascus sau khi Quân đội tự do Syria (FSA) của lực lượng nổi dậy tuyên bố "cuộc chiến giải phóng Damascus đã bắt đầu."
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy hỗn hợp của FSA (trụ sở ở thành phố miền Trung Homs), Đại tá Kassem Saadeddine nói rằng "chiến thắng đang gần kề và cuộc chiến sẽ không dừng cho đến khi phe nổi dậy kiểm soát được toàn bộ thủ đô."
Bạo lực leo thang tại thủ đô từ ngày 15/7 vừa qua khi phe đối lập mở chiến dịch tấn công tổng lực mang tên "Núi lửa Damascus và động đất Syria."
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Israel, Thiếu Tướng Aviv Kochavi cho rằng Chính phủ Syria đang mất dần khả năng kiểm soát thủ đô và Tổng thống Bashar Al Assad đã phải điều động binh sỹ từ các khu vực gần biên giới Israel để củng cố lực lượng quanh thành phố này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Zoabi đã phủ nhận những phát biểu trên, cho rằng "không phản ánh đúng diễn biến trên thực địa."
Ông cho biết tình hình thủ đô vẫn trong tầm kiểm soát và quân đội chính phủ không bao giờ đầu hàng. Nguồn tin chính phủ cho biết quân đội tiếp tục truy quét các nhóm khủng bố vũ trang đang gây rối tại Damascus, tiêu diệt 33 phần tử khủng bố, làm 15 tên bị thương và bắt giữ 145 tên khác.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria diễn biến nghiêm trọng hơn, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình nhằm bình ổn quốc gia Trung Đông này.
Nhân chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Lebanon Michel Suleiman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cùng với người đồng cấp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một giải pháp hòa bình trong vấn đề Syria. Hai ông cũng nhất trí rằng không nên có bất kỳ sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, và việc bình ổn tình hình là một trong những ưu tiên hàng đầu để người dân Syria đang lánh nạn, đặc biệt là những người đã chạy sang Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sớm trở về quê hương.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ tiến hành biểu quyết về nghị quyết mới đối với vấn đề Syria vào chiều 18/7, mặc dù cho đến thời điểm này Nga và các nước phương Tây vẫn bất đồng về các biện pháp chống chính quyền Damascus. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao hy vọng các bên sẽ tiến hành thương lượng vào phút chót.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tiếp tục thúc ép Nga ủng hộ các hành động cứng rắn đối với Syria, lấy lý do tình hình bạo lực hiện nay tại quốc gia Trung Đông này là không thể chấp nhận được. Tuyên bố được Tổng thống Pháp đưa ra sau khi Nga khẳng định sẽ phủ quyết dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an mà phương Tây hậu thuẫn.
Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov tại Mátxcơva, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan bày tỏ hy vọng các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ đạt được đồng thuận để chấm dứt bạo lực ở Syria.
Ông Annan cũng cho biết ông đã có các cuộc hội đàm “rất tích cực” với các nhà lãnh đạo Nga, trong đó tập trung bàn các biện pháp cần thiết chấm để dứt bạo lực và tiến tới giai đoạn chuyển đổi chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Ông Annan tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tuân thủ kế hoạch hòa bình sáu điểm mà ông đã đề xuất.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký Liên hơp quốc Ban Ki-moon ngày 16/7 vừa qua đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Lavrov, kêu gọi Nga dùng ảnh hưởng của mình để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và ngay lập tức kế hoạch sáu điểm.
Ông Ban Ki-moon hôm nay đã đến Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Syria.
Lại có thêm một tướng Syria đào ngũ. Nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một viên tướng Syria cùng vài binh sỹ ngày 17/7 đã vượt biên giới đến nước này. Như vậy, đã có 18 viên tướng của chính quyền al-Assad đào tẩu kể từ khi xung đột bùng phát tại quốc gia Trung Đông này hồi tháng 3/2011.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành "điểm đến" của nhiều nhân vật Syria đào tẩu. Cũng theo nguồn tin trên, hiện có gần 42.700 người tị nạn Syria đang sống trong các trại ở gần biên giới./.
Theo TTXVN