Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Nhật Bản lập tức trả tự do cho nhóm người này.Như tin đã đưa, ngày 15/8, cảnh sát biển Nhật Bản đã bắt giữ 14 nhà hoạt động đến từ Hongkong (Trung Quốc) do xâm nhập trái phép khu vực chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Những nhà hoạt động này thuộc tổ chức có tên gọi "Ủy ban Hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư".
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới trao công hàm phản đối. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng cho biết sẽ xử lí nghiêm việc này theo đúng luật pháp sở tại.
Trước đó, ngay từ khi có tin nhóm hoạt động này đang trong hành trình tới đảo, Nhật Bản cũng đã thành lập một ban chuyên trách nằm dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng gồm 30 thành viên đến từ cục cảnh sát, cục quản lý nhập cảnh, lực lượng cảnh sát biển để giải quyết vụ việc.
Bắc Kinh cũng đã sớm có phản ứng trước vụ việc trên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh cũng đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa và điện đàm tới Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi để phản đối, cho rằng đây là vụ bắt giữ trái luật.
Tân Hoa xã dẫn lời bà Phó Oánh “yêu cầu phía Nhật Bản đảm bảo an toàn và lập tức trả tự do cho nhóm người này vô điều kiện”.
Người đứng đầu chính quyền Hongkong (Trung Quốc), ông Lương Chấn An cũng triệu tập Tổng lãnh sự Nhật Bản Yuji Kumamaru tới phản đối, đồng thời cho biết sẽ cử cơ quan chức năng tới Nhật Bản để giúp đỡ nhóm người đang bị bắt giữ.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Akira Gunji cho biết ông cũng nhận được lời phản đối về vụ việc này trong suốt buổi làm việc với Tổng vụ trưởng hành chính đặc khu Hongkong, bà Carrie Lam.
Các trang mạng của Trung Quốc tán dương những nhà hoạt động này như những người anh hùng và kêu gọi làn sóng phản đối Tokyo. Hiện đã có ít nhất một tổ chức tuyên bố sẽ biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh vào ngày hôm nay (16/8) để phản đối việc bắt giữ.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản bắt giữ những nhà hoạt động nước ngoài tiếp cận đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ tháng 3/2004, khi 7 người Trung Quốc bị bắt giữ. Chưa thể đánh giá được liệu vụ việc có làm quan hệ 2 bên xung đột mạnh mẽ như vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản hồi tháng 9/2010 hay không? Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới những nỗ lực tìm kiếm “cái bắt tay chặt hơn” giữa 2 cường quốc Đông Bắc Á trong năm kỉ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao này./.
Theo Việt Dũng/VOV Online