Moscow đang hướng mắt về phía khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây khiến nước này cảm thấy vô cùng sốt ruột.
Quả vậy, nước Nga đang và sẽ nỗ lực hết mình để thay đổi trọng tâm chính sách ngoại giao và thương mại của mình từ châu Âu sang châu Á khi đứng ra tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra vào hai ngày cuối tuần này.
Nga được gắn một tầm quan trọng đặc biệt khi lần đầu tiên trở thành Chủ tịch của nhóm kinh tế uy tín gồm 21 thành viên, chiếm tới 40% dân số và 54% GDP của thế giới. Vì lẽ đó, Nga đã đổ một số tiền cực lớn, tới 21 tỷ USD cho công tác chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh lần này, gấp 1,5 lần so với số tiền mà nước Anh chi phí cho Thế vận hội Olympic mùa hè 2012. Tất cả cơ sở hạ tầng của Hội nghị thượng đỉnh đã được xây dựng từ đầu trên hòn đảo có số dân thưa thớt Russky, gần Vladivostok, thành phố cảng chính của Nga với khoảng 620.000 dân sinh sống bên bờ biển Thái Bình dương. Hạ cánh ở sân bay đã được cải tạo và mở rộng của Vladivostok, các đoàn đại biểu APEC sẽ được xe đón đi dọc theo một trong những cây cầu treo dài nhất thế giới nối tới đảo Russky để đến nơi ăn nghỉ tại Trung tâm Đại hội đồ sộ, rộng mênh mông.
Các nhà phân tích cho rằng, nước Nga đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong lịch sử, có ý nghĩa lớn lao không kém thời kỳ Peter Đại đế, vị Sa hoàng Nga đã dời thủ đô từ Moscow sang Saint Petersburg, thành phố được ông xây dựng bên biển Baltic vào đầu thế kỷ thứ XVIII để kết nối với châu Âu. Giám đốc Trung tâm Carnegie có trụ sở ở Moscow, ông Dmitry Trenin cho rằng: “nếu Peter Đại đế còn sống tới ngày nay, ông sẽ một lần nữa rời Moscow, nhưng lần này sẽ hướng tới Biển Nhật Bản chứ không phải Biển Baltic nữa”. Ông Dmitry kêu gọi biến Vladivostok thành thủ đô mới của Nga trong thế kỷ XXI.
Ý tưởng này có vẻ rất hợp ý chính phủ Nga. Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho biết, chính phủ nước này đã chi hàng tỷ USD làm đẹp cho Vladivostok để phục vụ diễn đàn với mong muốn biến thành phố này thành “vốn đầu tư” cho châu Á.
Cho đến nay, các nỗ lực để phát triển khu vực này đã bị trì hoãn do thiếu đường giao thông, lưới điện, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác. Vùng liên bang Viễn đông của Nga chiếm tới 36% lãnh thổ cả nước nhưng chỉ tạo ra chưa đầy 6% GDP của nước này và chiếm vỏn vẹn 4,4% dân số toàn Nga.
Đầu năm nay, chính phủ Nga đã thành lập một Bộ riêng biệt mang tên Bộ Phát triển Viễn Đông để tăng cường phát triển khu vực này. Ngoài ra, Kremlin hy vọng hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok sẽ giúp họ thúc đẩy hai mục tiêu chiến lược: giành được một chỗ đứng vững chắc trong thị trường châu Á- Thái Bình dương năng động và phát triển khu vực giàu năng lượng nhưng còn kém phát triển ở khu vực phía đông. Phó thủ tướng Shuvalov nhấn mạnh: “Để đạt mức tăng trưởng cao trong tương lai, nước Nga cần phải đứng trên đôi chân mạnh, một chân ở châu Âu và chân kia ở châu Á”.
Tuy nhiên, hiện nay, cái chân châu Á đang khập khiễng. Liên minh châu Âu chiếm tới 50% ngoại thương của Nga so với chưa đầy 20% của các nước APEC, mà trong đó chủ yếu là tập trung vào 4 nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo như Phó thủ tướng Shuvalov, nước Nga phấn đấu đạt 50% trao đổi thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình dương.
Hiện nay, Nga đang có nhiều lợi ích trong việc đẩy mạnh quan hệ với thị trường châu Á – Thái Bình dương. Thứ nhất, điện Kremlin muốn thu hút các doanh nghiệp APEC để phát triển Viễn Đông và Đông Siberia để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã làm tràn ngập các thị trường nội địa với hàng giá rẻ và là nhà nhập khẩu chính các nguồn tài nguyên Siberia. Trong một sự thừa nhận chính thức hiếm hoi trước sự đe dọa của Trung Quốc vào tháng trước, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, Nga phải “bảo vệ” vùng lãnh thổ thưa thớt phía đông khỏi sự tràn vào ồ ạt của “công dân các nước láng giềng”.
Ông Trenin thuộc Trung tâm Carnegie cho rằng, “để tránh trở thành phần phụ của nền kinh tế Trung Quốc, Nga cần phải tập trung phát triển vùng lãnh thổ của Viễn Đông và tích hợp vùng này vào khu vực châu Á- Thái Bình Dương”.
Nga gia nhập APEC vào năm 1998, nhưng sự hiện diện của nước này trên thị trường châu Á vẫn còn khá khiêm tốn: thị phần của Nga trong thương mại với APEC không vượt quá 1,5%. Tình hình có thể thay đổi vì giờ đây Nga đã gia nhập WTO sau gần 2 thập kỷ đàm phán, từ đó mở đường cho các hiệp định thương mại tự do với các thành viên APEC. Nga có hai lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho các nước APEC, đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên và phần lãnh thổ rộng lớn trải rộng khắp 9 múi giờ từ biển Baltic ở phía Tây tới Thái Bình Dương ở phía Đông.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra, Nga công bố kế hoạch xây dựng một hành lang vận chuyển giữa Đông Bắc Á và châu Âu bằng đường sắt chính xuyên qua Siberia và bằng đường biển dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga. Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, chỉ riêng tuyến đường sắt đã có thể xử lý 10% lượng hàng hóa hiện đang vận chuyển qua kênh đào Suez. Theo ước tính của một tổ chức nghiên cứu của Nga, nếu các nước APEC đầu tư khoảng 20 - 30 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông của nước này, họ có thể tiết kiệm được số tiền 600 tỷ USD vào năm 2020.
Nga cũng muốn đề xuất APEC thúc đẩy an ninh lương thực khu vực bằng việc tạo ra một Hành lang Ngũ cốc Viễn đông. Các nhà xuất khẩu ngũ cốc ước đoán, Nga sẽ có thể vận chuyển 10 -15 triệu tấn ngũ cốc tới Đông Nam Á thông qua các hải cảng ở Thái Bình dương của mình với điều kiện các cơ sở hạ tầng cần thiết được xây dựng và các quy định thương mại được đơn giản hóa. Với phần lớn hàng xuất khẩu năng lượng tới châu Âu, Nga đang lo lắng xây dựng các tuyến đường thay thế cho châu Á để phục vụ cho nhu cầu phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế APEC. Hai năm trước, Nga đã xây đường ống dẫn dầu từ các khu khai thác tại Siberia tới bờ biển Thái Bình dương. Ngoài ra, nước này còn nhiều kế hoạch khởi động xây dựng đường ống dẫn khí dọc theo cùng tuyến đường và thiết lập các cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng cho xuất khẩu hướng đông ở Cực Đông. Các chuyên gia dự tính, cái giá để làm hồi sinh vùng Đông Siberia và Viễn Đông sẽ vào khoảng 700 tỷ USD.
Như vậy là, Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ là cơ hội giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào xứ sở Bạch Dương và mở cửa các nền kinh tế châu Á cho các nhà đầu tư Nga. Chính vì vậy, nước Nga không thể không ngoảnh lại để nhìn sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương màu mỡ.
Theo Báo điện tử ĐBND