Căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước láng giềng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang như dự đoán, với việc 2 nước đóng cửa bầu trời, cấm máy bay lẫn nhau. Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ về Syria Lakhdar Brahimi hoạt động liên tục nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn trước kỳ lễ Hồi giáo Eid Al-Adha.
Hôm 15/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc một chiếc máy bay dân sự bay từ Armenia đến thành phố Aleppo của Syria phải hạ cánh xuống thành phố Erzurum, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra vì nghi ngờ hàng hóa vận chuyển trên máy bay vi phạm các quy định về vận tải hàng không dân dụng. Đây là chuyến bay đầu tiên bị chặn lại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hôm 13/10 cấm máy bay đi và đến Syria bay qua bầu trời nước này. Ngay sau lệnh cấm của Ankara, Syria cũng ra lệnh cấm tương tự đối với các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó nữa, do căng thẳng biên giới 2 nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm cửa máy bay chiến đấu của Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ buộc hạ cánh máy bay đến Syria đã bắt đầu từ ngày 10/10 với việc một chuyến bay dân sự cất cánh từ Moskva, Nga, đi Damascus đã bị 2 chiếc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ ép hạ cánh xuống sân bay ở Ankara và "giam lỏng" trong 8 tiếng đồng hồ để kiểm tra hàng hóa. Chuyến bay này có 35 hành khách, trong đó có 17 người Nga, đã khiến cho phía Nga phải lên tiếng yêu cầu Ankara giải thích rõ lý do chặn chuyến bay.
Ngay sau đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố trên báo chí rằng các hàng hóa bị giữ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ có một số "khí tài quân sự" của Nga được vận chuyển tới Syria. Nga và Syria tiếp tục lên tiếng bác bỏ cái gọi "khí tài quân sự" mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu. Bộ Ngoại giao Syria đã có thông báo chính thức khẳng định hàng hóa trên chuyến bay hoàn toàn không bao gồm bất kỳ loại vũ khí nào như Ankara cáo buộc, trong khi Ankara lại không thể minh bạch chi tiết các loại khí tài bị thu giữ theo như yêu cầu của Moskva.
Sau đó máy bay đã được phép cất cánh từ Ankara với 35 hành khách sau 9 giờ bị kiểm tra. Công ty Hàng không quốc gia Syria Syrian Air cáo buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã "hành hung phi hành đoàn trước khi cho phi cơ cất cánh đi tiếp" nhưng không nói rõ bản chất của vụ hành hung. Bà giám đốc Syrian Air là Aida Abdel Latif nói rằng vụ hành hung diễn ra khi phi hành đoàn từ chối ký vào biên bản xác nhận phi cơ đã phải hạ cánh khẩn cấp. Bà khẳng định rằng "các phi cơ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc chiếc Airbus hạ cánh mà phi công không được báo trước. Một tai nạn có thể xảy ra vì các phi cơ quân sự bay rất gần".
Vụ việc lại có chiều hướng nghiêm trọng thêm khi Bộ trưởng Vận tải Syria Mahmud Said lên án Thổ Nhĩ Kỳ đã có một hành động "không tặc" khi chặn bắt chiếc máy bay. Đài truyền hình Al Manar của Hezbollah tại Liban dẫn lời Ngoại trưởng Mahmud Said cho rằng "hành động không tặc đã vi phạm các thỏa ước của ngành hàng không dân dụng".
Sau màn đấu pháo, giờ lại đến màn đấu hàng không, xem ra Thổ Nhĩ Kỳ đang rất bực mình với Syria xung quanh cuộc nội chiến giữa quân đội Chính phủ Syria với phiến quân FSA. Bây giờ, sau khi màn đấu pháo đã chấm dứt, người ta mới biết rõ rằng những quả pháo bắn từ thành phố Lakatia của Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ thực ra chỉ là "đạn lạc" do quân đội Chính phủ Syria trong lúc oanh tạc các vị trí của phiến quân FSA đã nhắm không chính xác, khiến cho Ankara hiểu lầm rằng mình đang bị Syria "tấn công" và do vậy đã điều động quân đội, xe tăng, máy bay đến biên giới Syria để "sẵn sàng chiến đấu". Hành động quá mạnh tay của Ankara suýt chút nữa đã biến sự hiểu lầm thành một cuộc chiến tranh thật sự giữa 2 nước láng giềng.
Nhưng việc chặn máy bay Nga và tuyên bố của Thủ tướng Erdogan về hàng hóa "khí tài quân sự" trên máy bay thì không thể là hiểu lầm. Dư luận quốc tế đang lo ngại hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có dụng ý lôi kéo Nga vào cuộc xung đột, từ đó rất có thể Mỹ và các đồng minh cũng sẽ nhảy vào, vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, và NATO có trách nhiệm bảo vệ thành viên của mình.
Hiện tại, Nga vẫn chưa có động thái nào cho thấy nước này bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo yêu cầu Ankara giải thích rõ về động thái đe dọa đến sự an toàn của hành khách Nga khi tiến hành ép máy bay hạ cánh. Đồng thời, Moskva tiếp tục khẳng định việc cung cấp các khí tài, phương tiện kỹ thuật quân sự cho Syria là việc bình thường theo hợp đồng đã ký kết từ lâu giữa 2 nước, và không vi phạm các lệnh cấm của quốc tế.
Với chính sách cứng rắn đối với Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lại đang đối mặt với làn sóng dư luận phản đối trong nước do không thể chứng minh được lợi ích thiết thực khi ủng hộ phiến quân đối lập ở Syria. Giới phân tích ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt chỉ trích Thủ tướng Erdogan, cho rằng chính sách của ông đối với Syria đang "sắp phá sản" vì không đạt được mục tiêu, cũng không mang lại kết quả nào, chỉ khiến cho tình hình ngày càng trở nên xấu đi và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột đang ngày càng được dư luận quốc tế chú ý nhiều hơn. Điều này hoàn toàn không có lợi cho vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo.
Giới phân tích đã nói từ lâu rằng, một khi Mỹ và các đồng minh NATO không muốn và không thể can thiệp quân sự vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "gánh trách nhiệm" đó. Nhưng bản thân Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn tự biến mình thành "thủ phạm" châm ngòi xung đột tôn giáo lan rộng khắp khu vực khi can thiệp vào Syria.
Tuy nhiên giờ đây, sau khi đã có một số hành động cứng rắn liên quan tới cuộc nội chiến tại Syria, Ankara dường như đang bị hút vào cuộc xung đột, rất khó rút ra. Thổ Nhĩ Kỳ đã chứa chấp, cho phép lực lượng phiến quân FSA xây dựng căn cứ gần biên giới Syria để làm bàn đạp tấn công các thành phố bên trong Syria. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo điều kiện triển khai các hoạt động tình báo hỗ trợ phiến quân đối lập chống lại quân đội Chính phủ Syria. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ lại phải gồng mình giải quyết vấn đề người tị nạn từ Syria chạy sang, hiện tại đã lên đến hơn 100.000 người.
Chưa hết, việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad dùng chiêu bài trao quyền tự trị cho cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Syria đã gián tiếp thổi bùng các hoạt động "lập quốc" của cộng đồng người Kurd vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nên khó khăn khiến Ankara phải bận tâm giải quyết.
Trong khi đó, đặc phái viên LHQ về Syria Lakhdar Brahimi đã liên tục đến Iran rồi Iraq để tìm kiếm sự hậu thuẫn của 2 quốc gia này cho một kế hoạch ngừng bắn của ông. Ngày 15/10, ông Brahimi đã đến Tehran hội đàm với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và sau đó đến Iraq để hội kiến với Thủ tướng Nuri al-Maliki nhằm vận động 2 quốc gia này ủng hộ kế hoạch ngừng bắn nhân dịp lễ Hồi giáo Eid Al-Adha vào ngày 25/10 tới.
Iran được xem là đồng minh thân thiết nhất của Syria ở khu vực Trung Đông, còn Iraq cũng là một trong những quốc gia có quan hệ mật thiết, có tiếng nói được Damascus lắng nghe. Brahimi đang tỏ ra lạc quan về kế hoạch hòa bình của mình, vì Tổng thống Ahmadinejad và Thủ tướng Maliki đã bày tỏ quan điểm ủng hộ một kế hoạch như thế, và xa hơn là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Tuy nhiên, kế hoạch ngừng bắn có được thực hiện hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Cho dù Tehran và Baghdad thuyết phục được Tổng thống Assad, nhưng liệu lực lượng phiến quân FSA do Qatar, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có chấp nhận ngừng bắn hay không còn phải chờ xem
Theo Văn Trương/ CAND.com.vn