Trước tình hình căng thẳng tại Ai Cập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Ai Cập và tình hình hiện vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, bà Nuland dường như không quá quan ngại trước nguy cơ Tổng thống Mohamed Morsi trở thành một nhà độc tài vì cho rằng nhà lãnh đạo Ai Cập đã tiến hành đàm phán với ngành tư pháp để giải quyết khủng hoảng.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố cuộc khủng hoảng hiến pháp là vấn đề nội bộ của Ai Cập và chỉ được giải quyết bởi người dân đất nước này, thông qua một tiến trình đối thoại hòa bình và dân chủ.
[Ai Cập: Biểu tình rầm rộ phản đối tuyên bố hiến pháp]
Ngày 27/11, hàng chục nghìn người đổ về quảng trường trung tâm Tahrir ở thủ đô Cairo, tham gia cuộc biểu tình một triệu người theo lời kêu gọi của các lực lượng đối lập để phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Mohamed Morsi.Các nguồn tin tại hiện trường cho biết nhiều nhóm đối lập đã tham gia đợt biểu tình rầm rộ này, trong đó có Phong trào 6/4, Liên minh Thanh niên Cách mạng, Đảng Ai Cập Tự do, Đảng Wafd, Phong trào Kefaya cùng nhiều tổ chức tự do và cánh tả khác.
Người phát ngôn của Phong trào 6/4 tuyên bố mục tiêu của cuộc biểu tình một triệu người nhằm khẳng định việc người dân Ai Cập tiến hành sự kiện "Mùa xuân Arập" cách đây hai năm lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak không phải để đưa lên một tổng thống chuyên quyền khác.
Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu đòi hủy bỏ tuyên bố hiến pháp và chấm dứt sự lãnh đạo của Tổ chức Anh em Hồi giáo đối với nền chính trị Ai Cập.
Với trung tâm biểu tình là Tahrir, các nhà tổ chức còn tiến hành nhiều cuộc tụ tập gần trụ sở Bộ Nội vụ và Sứ quán Mỹ. Những người biểu tình tuyên bố sẽ không lùi bước và họ đã chuẩn bị lều bạt để cố thủ cho đến khi tổng thống đưa ra câu trả lời./.
Theo TTXVN