Cập nhật: 20/03/2013 15:56:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong 24 giờ qua, cuộc khủng hoảng tại Syria đã có những diễn biến phức tạp. Đánh dấu hai năm ngày nổ ra cuộc nổi dậy, ngày 18/3, quân nổi dậy Syria đã nã súng cối vào Phủ Tổng thống, sân bay quốc tế Damacus và trụ sở các cơ quan an ninh chính phủ.

 

Lực lượng đối lập Syria cho biết, trong một chiến dịch phối hợp với các cánh quân lớn đang hoạt động tại Damacus, lực lượng quân sự của họ đã bắn nhiều loạt đạn súng cối hạng nặng vào các mục tiêu trọng yếu ở thủ đô Syria. Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết, một số đạn súng cối đã rơi xuống các quận gần Phủ Tổng thống. Chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại do đợt tấn công này gây ra. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria xác nhận 5 quả đạn cối đã rơi xuống Damacus khiến 2 người chết và nhiều thường dân bị thương. Các lực lượng chính phủ đã phong tỏa một số tuyến đường, không cho người dân đến gần các địa điểm này.

 

Vụ tấn công trên diễn ra vài giờ sau khi Liên minh Dân tộc Syria đối lập tổ chức hội nghị tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và bầu ông Ghassan Hitto làm Thủ tướng để lãnh đạo chính phủ lâm thời của quân nổi dậy. Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Liên minh Dân tộc Syria, nhóm đối lập hiện lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ và được một số quốc gia và tổ chức công nhận là đại diện hợp pháp của người dân Syria.

 

Tuy nhiên, nhóm đối lập chính trong nước đã lên tiếng bác bỏ việc thành lập chính phủ lưu vong điều hành những khu vực mà lực lượng nổi dậy chiếm giữ, coi đây là động thái cản trở các nỗ lực của khối Arập và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

 

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Damacus cùng ngày, Cơ quan Điều phối Quốc gia (NCB), nhóm đối lập chính ở trong nước, tuyên bố NCB sẽ chỉ chấp nhận một chính phủ quy tụ cả các nhân vật đối lập và các quan chức trong chính quyền đương nhiệm trên cơ sở kết quả hội nghị Geneve đã được cả phe đối lập và chính phủ hoan nghênh. NCB cũng nhắc lại lập trường phản đối sự can thiệp của nước ngoài và sự chia rẽ bè phái, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các biện pháp hòa bình để đạt được các mục đích của nhóm.

 

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên tại Syria và cộng đồng quốc tế "nghiêm túc lên án" cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria và "khẩn trương tìm cách đạt được một giải pháp chính trị". Ông Ban Ki-moon cho biết, Syria đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi hơn 3 triệu người đã phải sơ tán lánh nạn, trong đó 1 triệu người phải tị nạn ở nước ngoài. Nhiều thành phố, làng mạc, kể cả các công trình di sản, đã bị phá hủy. Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: “Đây là hậu quả của việc chọn vũ lực thay vì đối thoại chính trị hòa bình và hướng tới thay đổi thực sự”.

 

Ông cũng nhấn mạnh "mục đích cuối cùng là phải chấm dứt bạo lực, đoạn tuyệt với quá khứ và chuyển sang một nước Syria mới trong đó quyền của tất cả các cộng đồng đều được bảo vệ và các nguyện vọng hợp pháp của toàn thể nhân dân Syria được đáp ứng". Ông Ban Ki-moon kêu gọi khu vực và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, tìm cách thống nhất và ủng hộ các nỗ lực của Đặc phái viên chung của Liên Hợp quốc và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi giúp Syria đạt một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay.

 

Trong một diễn biến khác, ngày 18/3, lần đầu tiên, các máy bay chiến đấu của Syria đã oanh tạc khu vực biên giới giáp với Lebanon, làm dấy lên những quan ngại rằng cuộc xung đột Syria có khả năng lan sang quốc gia láng giềng này.

 

Một sỹ quan cao cấp của quân đội Lebanon giấu tên cho biết: "Các máy bay chiến đấu của Syria đã oanh tạc biên giới giữa Lebanon với Syria. Tuy nhiên, tôi chưa thể khẳng định liệu có phải các máy bay này đã không kích vào lãnh thổ của Lebanon hay chỉ trên phần lãnh thổ Syria ".

 

Một quan chức an ninh Lebanon khác cho biết cụ thể hơn: “Các máy bay Syria đã bắn 4 quả tên lửa nhằm vào vị trí của quân nổi dậy nằm trên lãnh thổ Lebanon”. Theo nguồn tin này, thì địa điểm bị oanh kích là thị trấn Arsal ở miền Đông Lebanon gần với biên giới, nơi nhiều người dân ủng hộ lực lượng chống đối ở Syria. Khu vực đồi núi này cũng là nơi bị cho là diễn ra những hoạt động tuồn lậu vũ khí và các tay súng xâm nhập qua biên giới.

 

Lebanon luôn khẳng định giữ quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba tại nước láng giềng Syria song ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Lebanon bị cuốn vào vấn đề này. Phe đối lập tại Lebanon ủng hộ lực lượng chống đối ở Syria trong khi phong trào Hezbollah của người Hồi giáo Shiite và các đồng minh lại ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Trước đó, ngày 17/3, nhật báo Al-Thawra của chính phủ Syria đã lên tiếng cảnh báo Lebanon và Jordan đang "đùa với lửa" khi cho phép các tay súng thánh chiến và vũ khí qua biên giới hai nước này vào Syria.

 

Báo trên nhấn mạnh: "Ngọn lửa của chủ nghĩa khủng bố sẽ không chỉ phá hủy Syria mà có thể lan sang cả Lebanon và Jordan, nhất là nếu hai nước này can thiệp vào tình hình Syria, làm ngơ cho vũ khí và các phần tử vũ trang xâm nhập Syria ". Bài báo cho rằng trong những ngày gần đây, Jordan đã mở biên giới cho các tay súng thánh chiến, trong khi Lebanon làm ngơ cho hoạt động buôn bán vũ khí sang Syria.

 

Cùng ngày, tờ Al-Watan thân chính phủ cũng đưa tin hàng trăm tay súng thánh chiến trang bị súng ngắn, súng máy, các vũ khí chống tăng và chống máy bay đã thâm nhập vào Syria qua biên giới ở tỉnh Daraa miền Nam Jordan. Ngoài ra, 15.000 tay súng khác chuẩn bị đến Syria sau khi kết thúc khóa huấn luyện đặc biệt tại Lebanon.

 

Phản ứng về vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin, đồng thời là người phát ngôn Chính phủ Jordan, ông Samih Maaytah, khẳng định quân đội Jordan đang rất nỗ lực kiểm soát biên giới và ngăn chặn các phần tử cực đoan, để đảm bảo an ninh của Jordan. Ông cũng khẳng định Jordan không can dự vào công việc nội bộ của Syria.

 

Quân đội Syria đã tăng cường triển khai lực lượng ở biên giới với Lebanon và cảnh báo sẽ nổ súng vào lãnh thổ Lebanon nếu "các nhóm khủng bố" tiếp tục xâm nhập Syria. Bộ Ngoại giao Syria đã gửi thông điệp tới Bộ Ngoại giao Lebanon, trong đó nhấn mạnh: "Các lực lượng của Syria đang kiềm chế, song điều này sẽ không kéo dài mãi".

 

Tổng thống Lebanon Misen Michel Suleiman đã khẳng định tất cả các bên "cần phải cam kết trung lập" trong cuộc xung đột ở Syria, đồng thời ra chỉ thị cho quân đội Lebanon bắt giữ bất cứ tay súng nào có ý đồ tham gia giao tranh tại Syria. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về các vụ tấn công xuyên biên giới gây thương vong tại Lebanon.

 

Trong khi đó, một nguồn tin từ lực lượng đối lập ở Syria cho biết các tay súng nổi dậy đã chiếm được một số kho vũ khí ở làng Khan Toman, phía Nam tỉnh Aleppo sau một cuộc giao tranh dữ dội kéo dài hơn ba ngày và đã chiếm được một lượng lớn vũ khí. Một đoạn video đăng tải trên internet cho thấy các tay súng chiếm giữ những kho vũ khí này thuộc các nhóm "Tử vì đạo của Syria" và Lữ đoàn Hittin của Quân đội Syria Tự do./.

 

 

 

 

Theo Tấn Vũ /Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm