Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 10/12 nhấn mạnh: “Kết quả tăng trưởng của Việt Nam năm 2008 đã chứng minh khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế quốc gia”.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Martin Rama cũng đánh giá Việt Nam là nước ứng phó và ứng biến tốt hơn trong cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế.
Minh chứng cho những nhận định trên, các chuyên gia WB nêu rõ để đối phó với lạm phát tăng cao, Chính phủ triển khai gói giải pháp ổn định kinh tế vào tháng 3/2008 bằng việc thắt chặt tín dụng.
Tuy nhiên, khi lạm phát hạ, khủng hoảng tài chính bắt đầu gay gắt hơn, Việt Nam đã chuyển hướng bằng cách cắt giảm lãi suất cơ bản để hỗ trợ kịp thời cho phát triển kinh tế.
Các chỉ tiêu kinh tế đạt được của Việt Nam năm 2008, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, thâm hụt tài khoản vãng lai, cân bằng tài khóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... vẫn được WB đánh giá cao.
Tuy nhiên, năm 2009 được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. WB dự báo chất lượng các tài sản ngân hàng có thể sẽ suy giảm và tổng giá trị đăng ký lẫn phê duyệt của FDI năm 2009 cũng giảm.
Về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2009, ông Martin Rama cho rằng sẽ đạt mức hơn 6%. Báo cáo kinh tế cập nhật của WB tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2009 tăng trưởng 6,5%, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mông Cổ (đều đạt 7,5%).
Trong khi đó tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, kinh tế sẽ suy thoái với mức giảm 0,1% - 0,6% năm 2009.
“Các nước Đông Á bước vào cuộc khủng hoảng này với sự chuẩn bị tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài rút đột ngột các tài sản lưu động, kết hợp việc nhà đầu tư trong nước tháo chạy vốn ở một số nước đã đẩy các nền kinh tế quay lại vùng nguy hiểm mà họ chỉ vừa thoát ra” - Trích báo cáo của WB.
Theo TP