Cập nhật: 13/07/2009 22:24:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau một thời gian tích cực chào mời khách hàng vay vốn tiêu dùng, các ngân hàng (NH) đang tích cực rà soát lại các khoản vay phục vụ mục đích tiêu dùng đã giải ngân, đồng thời tăng thêm các điều kiện ràng buộc.

Động thái này được đưa ra trong lúc NH Nhà nước sắp vào cuộc thanh tra chất lượng tín dụng và tốc độ tăng trưởng dư nợ ở nhiều NH thời gian qua được cho là quá nhanh.

 

“Đóng cửa” tiêu dùng tín chấp

 

Khác với đầu năm 2009, hiện tại nhiều NH tỏ ra dè dặt với mảng cho vay tiêu dùng, nhất là vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp. NH Á Châu (ACB) mới đây tăng thêm điều kiện đối với khách hàng muốn vay tín chấp là không được ở nhà thuê, kể cả trường hợp có nhà nhưng đã cho thuê và đi thuê lại nhà khác để ở.

 

Theo nhân viên tín dụng của NH, trước đây NH chỉ yêu cầu người vay có hộ khẩu hoặc KT3, thu nhập hằng tháng từ 5 triệu đồng, có chỗ làm ổn định một năm trở lên và có điện thoại cố định. Tuy nhiên do hình thức cho vay tín chấp rất rủi ro và lượng khách hàng vay vốn theo dạng này ngày một nhiều nên NH phải tăng thêm điều kiện để “thanh lọc”.

 

Tương tự, NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã ngưng cho vay tín chấp từ tháng 5, nhiều NH khác dù không thông báo nhưng chỉ xét cho vay với rất ít trường hợp, còn lại từ chối giải ngân. Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lớn thừa nhận “chính sách tín dụng của NH có thay đổi”, cụ thể sẽ nắn lại cho vay tiêu dùng tín chấp vì dư nợ cho vay sáu tháng đầu năm toàn hệ thống đã đạt trên 75% kế hoạch năm.

 

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần nói không chủ trương phát triển mạnh cho vay tín chấp vì nhiều lẽ, trong đó có chuyện rủi ro cao, khó quản lý vì khách hàng hầu hết vay món nhỏ. Gần đây NH này đã nâng mức thu nhập đủ điều kiện vay lên thành 5 triệu đồng/tháng, trước đây mức này là 3 triệu đồng/tháng.

 

Tuy nhiên một số nơi vẫn cho vay với lãi suất (LS) cao nhưng điều kiện đi kèm khá thoáng, trong đó có việc khách hàng không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn. Như NH Hong Kong Thượng Hải (HSBC) cho vay với LS 2%/tháng (24%/năm) tính theo dư nợ giảm dần. Khách hàng có thể vay tối đa 10 lần thu nhập. Công ty tài chính Prudential (Prudential Finance) cho vay tín chấp với LS 17,4%/năm...

 

Ép đầu này, chạy đầu kia

 

Sau khi NH Nhà nước tuyên bố cụ thể về kế hoạch thanh kiểm tra chất lượng tín dụng, cho vay hỗ trợ LS, hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng đã “xìu” hẳn. Thay vào đó các NH chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng có thế chấp, chủ yếu là cho vay mua nhà, xây sửa nhà...Liên tục các chương trình khuyến mãi cho vay mua nhà được tung ra trong thời gian gần đây, nhiều NH nâng hạn mức cho vay đến 90% giá trị bất động sản thay vì 70% như trước, ân hạn trả nợ gốc trong vòng 36 tháng. Có NH cam kết giải ngân trong vòng 48 giờ kể từ khi khách hàng hoàn tất hồ sơ...

 

Nhiều NH xác định sản phẩm cho vay mua nhà là chủ lực và đang tích cực đẩy mạnh do mảng này cũng được tính là cho vay tiêu dùng và NH được cho vay với LS thỏa thuận. Giám đốc một NH nhẩm tính với LS huy động bình quân khoảng 8,26%/năm so với bình quân LS cho vay 10,26%/năm, chênh lệch đầu ra - đầu vào chỉ 2% như hiện nay là quá hẹp, vì vậy NH phải tích cực cho vay tiêu dùng theo LS thỏa thuận để cân bằng lợi nhuận.

 

Trong lúc này cho vay mua nhà, sửa nhà... là hợp lý nhất vì thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lại do luồng vốn từ thị trường chứng khoán chuyển sang. Nhiều người thu được lợi nhuận từ cổ phiếu đã tìm mua nhà đẩy giá nhà, đất ở một vài nơi tăng cao. LS cho vay hình thức này dao động tùy NH, ACB là 12,75%/năm tính trên dư nợ giảm dần, Techcombank 12,9%/năm; NH Phương Đông (OCB), NH Đầu tư và phát triển VN (BIDV)...13-14%/năm; NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) là 10,5%/năm.

 

Sẽ quản chặt

 

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại TP.HCM cuối tháng 6, thống đốc NH Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ quản chặt cho vay tiêu dùng để nguồn vốn không chạy vào các kênh khác gây méo mó thị trường. Trên thực tế đã có nhiều ý kiến nghi ngờ nhiều khoản cho vay tiêu dùng được đổ vào bất động sản và chứng khoán do thời gian qua nhiều NH đã cho vay quá thoáng, hạn mức cho vay cao, không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn...

 

Dư nợ cho vay tiêu dùng lên tới 85.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 5, tăng 11,6% so với đầu năm. Mức tăng này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống, nhưng nếu không có biện pháp quản lý chặt sẽ rất nguy hiểm vì tạo ra vòng luẩn quẩn: khách hàng thế chấp nhà vay tiền mua chứng khoán rồi lại thế chấp chứng khoán vay tiền...như vậy sẽ rủi ro cho NH và cho cả nền kinh tế.

 

Từ khi NH Nhà nước tuyên bố kiểm tra hoạt động cho vay, dòng tiền từ thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu quay trở lại NH. Cụ thể dòng tiền vào thị trường chứng khoán chựng lại, những phiên gần đây giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ còn khoảng 1.500 tỉ đồng. Theo các chuyên gia NH Nhà nước, nên quy định chặt để tránh tình trạng “cấm đầu nọ chạy đầu kia”. Với cơ chế cho vay thoáng với bất động sản như trên rất có thể vô tình tạo điều kiện cho giới đầu cơ lướt sóng tạo ra những cơn sốt ảo như cuối năm 2007, đầu năm 2008.

 

 

 

Theo xaluan.com

Tệp đính kèm