Bối cảnh chân thực, diễn xuất đa dạng của dàn diễn viên cùng thời điểm phát hành lý tưởng... là đòn bẩy giúp “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả. Tính đến ngày 25-4, Địa đạo thu về gần 158 tỉ đồng sau hơn 20 ngày công chiếu.
“Khi bước vào rạp và đến lúc đi ra bị, tôi bị cuốn theo và không rời mắt. Một đề tài lịch sử khó như thế mà Việt Nam làm đầu tiên rất mãn nhãn, rất thật. Tất cả những gì trong phim, kể từ cây cỏ đến những chi tiết nhỏ nhất đều được sử dụng với mục đích và có tác dụng riêng", diễn viên Anh Đào bày tỏ.
Bạn Nguyệt Linh, quận Ba Đình, cho biết: “50 năm chiến tranh đã lùi xa và đây là thời điểm rất thích hợp để chúng ta có thể nhìn về cuộc chiến, nhìn về những gì mà ông cha ta đã hy sinh, đã đổ máu để đạt được nền hòa bình dân tộc như chúng ta đang có. Đây cũng là bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh và tư duy điện ảnh rất mới. Một bộ phim rất ít lời, kiệm lời nhưng đã truyền tải đến khán giả những giá trị nhân văn cao cả. Tôi hy vọng rằng bộ phim này thì có thể tới với cả bạn bè thế giới”.

Hình ảnh chân thực, âm thanh sống động, cảm giác nghẹt thở là cảm nhận chung của nhiều khán giả sau khi bị cuốn vào “Địa đạo” trong hơn 120 phút trình chiếu. Không chỉ được đánh giá cao về mặt nội dung, bộ phim còn ghi điểm nhờ phần hình ảnh được đầu tư chỉn chu, bối cảnh địa đạo được phục dựng chân thực đến từng chi tiết. "Địa đạo" như một "nhân vật" chính, nơi hội tụ những nỗi sợ của con người: bóng tối, sự ngột ngạt và cái chết, giúp người xem như đang thực sự ở trong lòng đất, sống trong nỗi sợ và nỗi ám ảnh cùng nhân vật.
Chia sẻ về quá trình thực hiện bối cảnh của Địa đạo, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: “Mấu chốt, mình phải suy nghĩ giống như những người nông dân ở Củ Chi đào Địa Đạo, tác giả của địa đạo là những người nông dân Củ Chi. Họ không có công cụ gì để đo đạc, không có thước, bản đồ…. mà hoàn toàn chỉ đào, cứ người nọ đến người kia đào bằng một cuốc rất ngắn và một vài dụng cụ cực kỳ thô sơ. Mình đã bàn với tổ thiết kế, phải làm sao tạo được một mô hình rất đơn giản nhưng phải rất hữu dụng. Bởi vì là địa đạo chiến, làm sao để không thể đột nhập vào đây. Thành ra người ta sẽ đào cong queo, lên lên xuống xuống, đôi khi lệch nhau thì họ lại phải cua vào, có sự sống động rất lớn nhưng về mặt xử lý mọi thứ cũng khá phức tạp. Ví dụ, cái nắp địa đạo thôi mình không có sách nào kể lại, vẽ lại một cách chi tiết. Mình phải tìm hiểu mới biết được”.
Điểm cộng của bộ phim còn đến từ diễn xuất của dàn diễn viên, bên cạnh những tên tuổi quen thuôc như Thái Hoà, NSUT Cao Minh, Quang Tuấn… Địa đạo có sự góp mặt của nhiều diễn viên trẻ như Hồ Thu Anh, ca sỹ Diễm Hằng, Anh Tú… đã để lại nhiều ấn tượng khi thể hiện trọn vẹn chiều sâu tâm lý nhân vật. Tham gia bộ phim, dàn diễn viên trải qua quá trình rèn luyện gian khổ trong bối cảnh khói lửa, bom đạn của phim trường.

Diễn viên Thái Hoà vai Bảy Theo và Hồ Thu Anh trong vai nữ du kích Ba Hương chia sẻ: “Trong mấy tháng, mình được tập thể lực giải quyết vấn đề sức khoẻ khi quay trong địa đạo. Bối cảnh môi trường khác với những phim khác. Ví dụ khi mình chui tỏng hầm mà không tập thì không thể nào quay nổi, mặc dù rộng hơn cái địa đạo thật nhưng cái tướng đi khom khom rồi ngộp thở, đầu cứ bị va đập tùm lum, không điều khiển được cơ thể mình. Nhưng thật sự thì mình mệt, ông quay phim mệt đến 10. Đặc thù của phim này là mồ hôi, khi mọi người coi trên phim thấy cảnh nhớp nháp, mồ hôi giàn dụa, hầu hết là mồ hôi thật”.
“Vai diễn trong bộ phim này của tôi là một nữ du kích, đội phó đội du kích Bình An Đông, là người rất cương quyết, cứng rắn nhưng đồng thời bên trong rất tình cảm. Thực sự có rất nhiều khó khăn nhưng mình nghĩ vì niềm tự hào và lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông, mình đã vượt qua được những khó khăn đấy và hoàn thành quá trình quay phim”, Thu Anh cho biết.
"Địa đạo" lột tả sự khắc nghiệt của chiến tranh một cách chân thực và ám ảnh. Phim không không né tránh nỗi đau, mà đối diện trực diện với sự tàn nhẫn của chiến tranh – cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng chính trong bối cảnh tối tăm đó, "Địa đạo" khơi lên ánh sáng từ lòng dũng cảm, từ tinh thần đoàn kết và khát vọng sống mãnh liệt – khiến bộ phim không chỉ để xem mà để nhớ với nhiều cảm xúc.
Đánh giá cao bối cảnh và những góc quay của bộ phim, Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cho rằng: “Mình có đến Củ Chi, cũng đọc sách về Củ Chi rồi nhưng chưa bao giờ có một bộ phim mà thể hiện chính xác những sự thật trong chiến tranh. Tất nhiên phải hư cấu giữa tình yêu rồi cuộc chiến khốc liệt, đan cài với nhau, tạo ra một tác phẩm nghệ thuật rất thuyết phục, hấp dẫn và nói được tình người, chứ không chỉ nói về cuộc chiến, những khó khăn. Nghệ thuật về hình ảnh quan trọng nhất phải mang đến một cảm giác thực, trong phim vẫn thấy được những góc tối, cũng như ánh sáng chiếu đủ để khán giả thấy được vẻ đẹp của nó. Tôi nghĩ đấy là tài nghệ của những người nghệ sĩ làm bối cảnh, rất trung thực. Tạo được một cái hầm 3 tầng như thế và luôn trèo lên, trèo xuống để người ta thấy cảnh thật chứ không phải cắt cảnh. Trong một cú quay có thể cảm nhận được hết, khi người ta xem phim gần như chìm vào câu chuyện”.

“Trước hết tôi thuộc thế hệ những người lớn lên trong chiến tranh, chính vì thế tôi rất quan tâm những bộ phim có đề tài về chiến tranh. Bộ phim địa đạo là một bộ phim công phu và phản ánh một khía cạnh khác của chiến tranh. Con người đã sống dưới lòng đất, đã sáng tạo ra các cách thức để tồn tại, để chiến đấu và đặc biệt toát lên tính nhân văn của sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau và động viên nhau lạc quan để tồn tại, để sống. Đặc biệt những người như thế hệ chúng tôi rất cảm xúc, bởi vì mình nhìn thấy ký ức của cha mẹ mình, anh chị mình và cả ký ức của chính mình nữa”.
Bên cạnh những lời khen dành cho “Địa đạo” vẫn có những ý kiến trái chiều về bộ phim như một số chi tiết chưa hợp lý, việc lồng ghép các phân cảnh tình cảm nam nữ liệu có phù hợp trong làn ranh sinh tử hay phương ngữ địa phương…Điều này cho thấy tác phẩm có sức hút đặc biệt với công chúng. Việc xuất hiện những ý kiến trái chiều khiến bộ phim trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn đối với những người chưa xem, đã xem hoặc chưa nắm bắt hết những chi tiết được đạo diễn gài cắm tinh tế.
Nhìn chung, với nhịp phim kịch tính, bối cảnh chân thực và dàn diễn viên trẻ đầy cảm xúc, "Địa đạo" xứng đáng là bộ phim nhận được sự quan tâm, yêu thích của khán giả ở nhiều lứa tuổi trong dịp kỷ niệm trọng đại, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tác phẩm giúp khán giả hiểu hơn về sự hy sinh, lòng quả cảm – và nhắc nhở rằng tự do hôm nay là thành quả của biết bao gian khổ của những thế hệ đi trước.
Theo Thủy Tiên/VOV1
https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-tiep-lua-tinh-than-yeu-nuoc-post1195206.vov