Cập nhật: 14/12/2009 20:55:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày gần đây, trước thông tin lúa gạo đang vào “cầu” xuất khẩu cộng với biến động tỉ giá đô la… lúa gạo tăng giá đột ngột và theo nhận định của các chuyên gia, thị trường trong nước đang phải đối mặt với “cơn sốt ảo” giá gạo.

 

Các đại lý gạo trong thành phố Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc và cả phía Nam đồng loạt nhích giá 500-3.000đồng/kg khiến người dân xuất hiện tâm lý mua gạo về tích trữ. Các doanh nghiệp kinh doanh gạo và một số tiểu thương cho biết: trong sự gia tăng giá chung đó, giá gạo tăng cao nhất là gạo thơm, có lúc tăng 3000đồng/kg, còn lại đều dao động ở mức 1.000 đến 3.000đồng/kg…

 

Giá gạo tăng hiện nay chỉ là “sốt ảo”

 

Diễn biến “bất thường” trên xuất phát từ tác động của việc cung - cầu gạo trên thị trường thế giới hiện đang căng thẳng đặc biệt tại Phi-lip-pin do ảnh hưởng của bão lũ nên đang tăng cường mua vào…Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nước ta lại vừa trúng thầu thêm 300.000 tấn gạo (loại 25% tấm) cung cấp cho Phi-lip-pin. Lượng gạo này trong gói thầu được Chính phủ Phi-lip-pin mở thầu vào ngày 8/12. Mức giá trúng thầu lần này là 650 USD/tấn (CF-FO – giao hàng tại cảng Phi-lip-pin), thời gian giao từ tháng 2 - 5/2010.

 

Tuy nhiên, cũng theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo, từ thời điểm này cho tới tết Canh Dần 2010, giá gạo sẽ không tăng quá “nóng” như thông tin về việc thiếu gạo như hiện nay bởi tổng số gạo tồn kho của Tổng Công ty (TCty) Lương thực miền Nam là trên 700.000 tấn. Rồi phải kể đến sự khẳng định của Saigon Co.op về việc sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh trong chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán 2010 với sự bình ổn 5 nhóm mặt hàng thiết yếu mà gạo nếp là mặt hàng đầu tiên. TCty Lương thực miền Bắc cũng đang có trên 10.000 tấn gạo các loại, nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu lương thực, sốt giá gạo trong dịp tết ở Hà Nội.

 

Bình tĩnh trước các thông tin về giá gạo

 

Rút kinh nghiệm từ năm 2008, Chính phủ đã có những chỉ đạo ngay từ đầu, khi thị trường gạo thế giới có biểu hiện hơi căng thẳng, thì phải thông tin rộng rãi đến người dân để họ không bị hoang mang, đồng thời các doanh nghiệp phải cung ứng gạo kịp thời cho những nơi thiếu gạo để bình ổn giá gạo trong nước, vì thế giá gạo sẽ không thể vọt lên quá cao.

 

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sẽ điều tiết giá gạo trong nước, bằng cách sẵn sàng đáp ứng nguồn cung đầy đủ, kịp thời cho thị trường, đảm bảo việc tăng giá nhưng không được vượt quá chỉ số tiêu dùng nội địa mà Chính phủ cho phép, chỉ tăng mạnh với nguồn gạo xuất khẩu, còn thị trường trong nước sẽ không để xảy ra tình trạng sốt ảo như năm ngoái.

 

Việc tăng giá gạo từ đầu tháng 11 đến nay, theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam là do giá gạo trên thế giới tăng, tuy nhiên, mức tăng này không quá cao. Và với việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo lên đạt mức 6-6,2 triệu tấn trong năm 2009(cao hơn 1 triệu tấn so với năm 2008) sẽ không làm giá gạo tăng vì trong 10 tháng đầu năm 2009, nước ta đã xuất được 5,3 triệu tấn nên việc đạt mức 6-6,2 triệu tấn là trong tầm tay.

 

Ngày 7/12 vừa qua, Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo việc cung ứng một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là gạo, đảm bảo nguồn cung từ trước, trong và sau tết để không gây sốt giá mặt hàng này. Và dù không giống như “đợt sốt” của năm 2008 khiến người dân ùn ùn đi mua gạo về tích trữ nhưng giá gạo hiện đang tăng cao tối đa đến 3.000 đồng/kg cho thấy giới đầu cơ đã tranh thủ trục lợi, gây lũng đoạn thị trường. Điều này đặt ra cho Bộ Công thương, cơ quan quản lý về lưu thông hàng hóa trong nước rằng, khi có diễn biến bất thường, ách tắc giả tạo như đợt sốt tuần qua thì cần có thông tin kịp thời cho người dân.

 

Sẵn sàng dập “cơn sốt” gạo

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia về lúa gạo, với lượng gạo tồn và sự chuẩn bị kỹ càng, khả năng xảy ra một cơn sốt gạo giống như năm ngoái là không thể. Nhưng với việc giá gạo thế giới và trong nước đang tăng lên, trong những tháng cuối năm nay, chắc chắn người tiêu dùng trong nước sẽ phải ăn gạo với giá cao hơn trước đây.

 

Rút kinh nghiệm từ cơn sốt của năm 2008, năm nay, các đơn vị thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã xây dựng một hệ thống các điểm bán gạo ở các đô thị từ Đà Nẵng trở vào. Riêng ở TPHCM, đã có khoảng 40 điểm như thế. Nếu xảy ra tình trạng giá gạo bán lẻ trong nước bị đẩy lên quá cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ yêu cầu các doanh nghiệp mở kho, đưa gạo ra bán ở những điểm đã chuẩn bị sẵn. Trong trường hợp khẩn cấp, doanh nghiệp có thể đưa ngay gạo ra thị trường bán lẻ của địa phương mà không cần phải thông qua Hiệp hội.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm