Cập nhật: 21/12/2009 21:28:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Dần, song những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã có biến động bất thường về giá. Mặc dù 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình bình ổn giá trong dịp Tết, song do sức mua trên thị trường vào dịp này  thường khó dự báo, nên tình trạng khan hàng, sốt giá vẫn có thể xảy ra.

Hàng loạt giải pháp bình ổn giá trong dịp Tết Canh Dần đang được Bộ Tài chính xây dựng, nhằm giữ ổn định giá thị trường thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

 

Nhiều mặt hàng đã tăng giá

 

Đầu tháng 12, nhiều siêu thị, đại lý đã nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp bánh kẹo, nước ngọt, sữa… Mức tăng giá 5-30%, tùy từng loại hàng hóa. Theo giải thích của nhà cung cấp, hàng hóa tăng giá là do giá đường đã tăng gần 100% so với thời điểm đầu năm. Hiện giá đường bán lẻ trên thị trường đã lên mức 18.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù Hiệp hội Mía đường luôn bảo đảm dư thừa nguồn cung. Kể từ ngày 15-12, Công ty Vissan cũng thông báo tăng giá 15 mặt hàng thực phẩm chế biến, với mức tăng 2.000-3.000 đồng/sản phẩm. Các công ty chuyên kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn như Đức Việt, đồ hộp Hạ Long cũng cho biết, các mặt hàng thực phẩm đông lạnh như thịt lợn hun khói, xúc xích, cá viên… sẽ điều chỉnh giá tùy theo sản phẩm do giá "đầu vào" tăng cao.

 

Mặc dù không có biến động gì về nguồn cung, song giá gạo bán lẻ trong nước vẫn tăng trung bình hơn 10%, thậm chí có loại gạo ngon tăng đến hơn 20%. Giá gạo bị đẩy lên cao là do thời gian qua, gạo xuất khẩu có xu hướng tăng giá. Một số tiểu thương kinh doanh gạo tại Hà Nội dự đoán, giá các loại gạo ngon như Tám thơm, Bắc Hương, Dự... sẽ còn "leo thang" vào thời điểm sát Tết. Bên cạnh lương thực, thực phẩm, giá gas trên thị trường đã điều chỉnh tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 11, gas đã lên giá 3 lần, với tổng mức tăng 40.000 đồng/bình 12kg. Theo dự báo của Hiệp hội Gas Việt Nam, từ nay đến Tết, giá gas có thể tăng thêm ít nhất 10-15%, vì theo quy luật vào mùa đông, giá gas trên thị trường thế giới luôn điều chỉnh tăng; trong khi đó, gas trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.

 

Giải pháp "hạ nhiệt" thị trường

Để giảm bớt căng thẳng về nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp nhằm dự trữ hàng Tết. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố 250 tỷ đồng để ứng vốn cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết. Số tiền này được tạm ứng với lãi suất 0% cho 13 DN lớn trên địa bàn Hà Nội dự trữ các mặt hàng gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản, hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường và bánh kẹo. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các DN này cam kết, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích và hoàn trả đúng thời gian quy định. Tại TP Hồ Chí Minh,  những  nhóm hàng thiết yếu cũng đã được UBND TP đưa vào chương trình bình ổn giá phục vụ Tết. 13 DN tham gia bình ổn giá được vay khoảng 422 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (lãi suất 0%) để trữ hàng Tết. Các DN này cam kết sẽ bán giá thấp hơn 10% giá hàng cùng loại trên thị trường trong dịp Tết nhằm góp phần giữ ổn định thị trường.

 

Bộ Tài chính đang gấp rút soạn thảo chỉ thị về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính cho biết), Bộ sẽ yêu cầu giám đốc Sở Tài chính các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường; từ đó đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện nhằm tránh tình trạng đột biến về giá. Công tác dự báo nhu cầu tiêu dùng, kết hợp với nắm tình hình chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, thuốc chữa bệnh, phương tiện đi lại... sẽ được thực hiện có hiệu quả trong dịp Tết. Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu một số tỉnh, TP lớn thực hiện chế độ báo cáo nhanh mỗi ngày cho đến hết ngày mồng 10 Tết Canh Dần về số lượng, chất lượng hàng hóa phục vụ Tết. Cơ quan quản lý giá sẽ kiểm tra thường xuyên việc thu các loại phí dịch vụ trong dịp Tết, không để các DN, cá nhân lợi dụng tăng giá trái pháp luật. Những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định: không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán... tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, hay truy tố trách nhiệm hình sự.

 

Với nỗ lực bình ổn giá của các ngành và địa phương, hy vọng thị trường Tết Canh Dần sẽ ổn định và không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm