Cập nhật: 07/01/2010 22:34:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dự báo của nhiều chuyên gia rằng lạm phát năm 2010 nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2009 không gây bất ngờ khi năm 2010 được “kế thừa” những yếu tố gây lạm phát từ năm trước.

“Thế nhưng, lạm phát cao đến mức nào lại phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách của Chính phủ, hơn là phụ thuộc vào tác động bên ngoài”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định như vậy.

 

Không quá lo giá bên ngoài

 

Gói kích cầu trong năm 2009 thể hiện độ trễ, cộng với xu thế tăng giá trên thế giới, sẽ tác động đến giá tiêu dùng năm 2010.

 

“Một số yếu tố khác như sức mua trong dịp Tết tăng cao, tăng lương tối thiểu cho công chức, viên chức theo lộ trình tăng lương tối thiểu 2008-2012 làm tăng sức mua, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với một số hàng hóa, dịch vụ... cũng làm cho giá tiêu dùng năm 2010 tăng lên”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Giá cả (Tổng cục Thống kê) lưu ý.

 

Về giá cả, năm 2009, diễn biến giá các mặt hàng không tạo thành cú sốc như năm 2008, kể cả gạo. Diễn biến giá tiêu dùng hàng tháng trong năm 2009 đã được phục hồi lại sau những những bất thường của hai năm 2007 và 2008.

 

Năm nay, giá cả được dự báo là sẽ có tăng nhưng không tạo yếu tố gây sốc lớn, nếu không có gì quá bất thường.

 

Năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi và nhập khẩu đầu vào sẽ tăng giá nhưng kinh tế thế giới cũng không thể phục hồi nhanh được.

 

“Hơn nữa, năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế nhập siêu, kiềm chế nhập khẩu, mà như thế thì tác động từ giá cả thế giới đến mặt bằng giá trong nước sẽ đỡ hơn”, Tiến sĩ Ánh lưu ý.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có thể kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ chưa thiết yếu như ôtô, xe máy, rượu, hóa mỹ phẩm... thông qua các giải pháp như hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ, xây dựng các chuẩn hàng rào kỹ thuật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Việt Nam cũng tính đến cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, nâng chất lượng hàng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế - việc không mới nhưng phải làm mạnh hơn - để giữ thương hiệu và uy tín với bạn hàng.

 

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt...

 

Tất nhiên, những định hướng chuyển dịch cơ cấu này chưa thể hiện rõ rệt ngay trong ngắn hạn, đặc biệt là ngay trong năm 2010, nhưng sẽ có tác động đến giá cả thị trường hàng hóa theo hướng tích cực hơn.

 

Phụ thuộc nhiều hơn ở chính sách điều hành

 

Nhiều phân tích đã cho rằng mối lo lớn nhất tác động đến lạm phát năm 2010 là từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng đều rất cao trong khi tăng trưởng GDP thực tế lại chỉ có 11,4%.

 

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng thừa nhận “ngại nhất là tốc độ tăng tín dụng vì lượng tiền trong lưu thông tăng”. Thế nhưng, cuối năm vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất cơ bản nhằm rút bớt tiền trong lưu thông về.

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng để thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đó là CPI năm 2010 tăng 7% cần làm tốt chính sách điều hành về giá cũng như có sự linh hoạt, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ; thực hiện tốt chính sách tài khóa...

 

Cụ thể hơn, ông Thỏa nói điều hành lãi suất thị trường phải phù hợp với diễn biến của lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng phải được kiểm soát chặt chẽ, tối đa ở mức 25%.

 

Thực hiện nhanh có hiệu quả các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa... nhưng đi đôi với nó, “phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Thỏa lưu ý.

 

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định có thể nhìn thấy hai kịch bản lớn cho lạm phát 2010. Nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý giá cả thị trường hợp lý, ứng phó tốt với tình hình biến động của kinh tế thế giới, cân đối giữa ổn định và tăng trưởng thì CPI cả năm có thể ở mức 1 con số, khoảng từ 7-10%.

 

"Khả năng giữ ở mức 1 con số là cao, theo những căn cứ về tình hình trong và ngoài nước. Còn nếu một hoặc một số các điều kiện trên không đảm bảo thì CPI có thể lên tới 12-15%", Tiến sĩ Ánh nói./.

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm