Cập nhật: 13/01/2010 22:31:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một số chuyên gia cho rằng, để giữ được chỉ số lạm phát ở mức 7%, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, dẫn tới phải tăng mạnh đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp (hệ số ICOR cao)… sẽ làm cho nền kinh tế kém sức cạnh tranh

Có thể nói, lạm phát năm 2009 nằm trong dự tính và kiểm soát được là một thành công của Việt Nam. Tuy nhiên, sang năm 2010, mối lo ngại về sự quay trở lại của mức lạm phát cao đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập tới. Và mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% theo các chuyên gia không phải là dễ dàng.

 

Những yếu tố gây tăng giá

Theo các chuyên gia, tình hình hiện nay ở cả trong nước và thế giới đều tiềm ẩn những nguy cơ cao gây tăng giá. Năm 2010, các tổ chức tài chính, tiền tệ uy tín trên thế giới nhận định, nền kinh tế quốc tế sẽ bước vào giai đoạn hồi phục, kéo theo mặt bằng giá cả có thể sẽ tăng lên. Cùng với đó, nhiều nước đã quyết định tiếp tục duy trì gói kích thích kinh tế, lượng tiền tiếp tục được bơm thêm ra lưu thông sẽ tạo sức ép khá mạnh đến lạm phát.

 

Còn trong nước, theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những yếu tố có thể gây tăng giá trong năm 2010 đó là: việc tăng lương tối thiểu đối với công chức, viên chức, tăng trợ cấp cho người nghỉ hưu và các đối tượng hưởng từ nguồn ngân sách (năm 2010 điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng), tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo… sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.

 

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có giá điện, giá than, nước sạch… cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên. Ngoài ra, các nguyên nhân mang tính quy luật khách quan như thiên tai, dịch bệnh… có thể xảy ra làm ảnh hưởng cung - cầu, tác động đến giá cả thị trường. Tác động của lượng tiền lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá từ năm 2009 chuyển qua cũng là yếu tố gây sức ép lên lạm phát. Theo nhiều phân tích, đây thực sự là mối lo lớn nhất. Thế nhưng, mối lo này đã được giảm bớt phần nào khi từ cuối năm 2009, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt biện pháp điều chỉnh phù hợp lượng tiền trong lưu thông.

 

Có giữ được mức lạm phát 7%?

TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng, việc có giữ được mức lạm phát 7% hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành của Chính phủ. Ông Ánh phân tích: Các cân đối vĩ mô xấu đi nhiều với thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách Nhà nước ở mức cao, chỉ số ICOR quá cao, thanh khoản của hệ thống tài chính ngân hàng còn nhiều yếu tố thiếu vững chắc,… gây áp lực lớn lên lãi suất và tỷ giá hối đoái.

 

Điều này chắc chắn ảnh hưởng không chỉ tới thị trường tài chính tiền tệ, mà còn tới thị trường giá cả hàng hoá dịch vụ thông thường. Vì thế, nếu tính qui luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý thì CPI cả năm có thể ở mức 1 con số. Nếu một trong số các điều kiện trên không đảm bảo thì CPI có thể lên tới 12-15%.

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, để có thể giữ được mức lạm phát 7% trong năm 2010, cần tránh các hiện tượng “neo giá” để giá cả của hàng hóa ở mức cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới; hoặc “đông giá” ở thị trường trong nước quá thấp bất hợp lý trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi.

 

Đối với lãi suất, cần điều hành phù hợp với diễn biến của lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường; Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng (tối đa ở mức 25%).

 

Theo TS. Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Phân tích Dự báo giá cả thị trường, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, để có thể giữ được mức lạm phát ở mức hợp lý, trước hết là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, tiền tệ, tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế, kiềm chế lạm phát... Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, dẫn tới phải tăng mạnh đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp (hệ số ICOR cao)… sẽ làm cho nền kinh tế kém sức cạnh tranh, phát triển không bền vững; Có chính sách kiểm soát giá độc quyền chặt chẽ hơn nữa nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho toàn xã hội; Có biện pháp điều hành, dự trữ và quản lý mạng lưới lưu thông hàng hoá (đặc biệt là với một số loại hàng như: gạo, xi măng, thép...) linh hoạt hơn nhằm chống hiện tượng đầu cơ, phao tin đồn để nâng giá bất hợp lý…/.

 

 

 

Theo vovnews.vn( Báo TNVN)

 

Tệp đính kèm