Cập nhật: 25/01/2010 21:42:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2010 là một năm đầy thử thách đối với hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng vừa phải lo giúp các doanh nghiệp khổi phục sản xuất, nhưng cũng phải đảm bảo để lạm phát không xảy ra.

Một trong những thành công nhất của ngành Ngân hàng trong năm 2009 là hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đảm bảo an toàn, ổn định và có bước tăng trưởng khá, năng lực tài chính và quy mô hoạt động tăng lên. Tính thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

 

Trong các thời điểm khác nhau, ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng linh hoạt điều chỉnh giảm và tăng các mức lãi suất chủ đạo, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, tạo điều kiện cho các TCTD giảm và tăng lãi suất huy động, cho vay phù hợp mục tiêu điều tiết lượng vốn huy động và cho vay tín dụng theo hướng nới lỏng một cách thận trọng.

 

Từ đầu tháng 12/2009, trước những biến chuyển mới của thị trường trong nước và thế giới, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều chỉnh lãi suất cơ bản lại lên mức 8%/năm sau 10 tháng liên tiếp giữ ở mức 7%/năm (kể từ tháng 2/2009); lãi suất tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tăng từ 7% lên mức 8%/năm và lãi suất tái chiết khấu của NHNH đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên mức 6%/năm; biên độ tỷ giá mới giảm từ +/- 5% xuống còn +/-3%, tỷ giá sàn nâng lên là 17.422 và tỷ giá trần là 18.500 VND/USD; tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng tăng lên mức 17.961 VND/USD và kịp thời cấp giấy phép tái nhập khẩu vàng …

 

Bên cạnh đó, NHNN còn điều hành ngày càng linh hoạt chính sách tiền tệ, phù hợp cơ chế và bám sát các tín hiệu thị trường cũng như xu thế vận động chung của chính sách tiền tệ thế giới, biểu hiện rõ nét nhất ở hơn 50 văn bản quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng đã được NHNN ban hành. Tính đến thời điểm cuối năm 2009, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của cả nước giảm liên tục: Từ mức 23,7% năm 2001, năm 2005 là 19,01%, năm 2006 là 17,21%, năm 2007 là 16,36%, năm 2008 là 14,6% và năm 2009 vẫn duy trì được xu hướng tích cực này.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc nới lỏng chính sách tiền tệ khiến cho tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đang ở mức cao, ảnh hưởng không thuận lợi đối với việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường trong năm 2009 và sẽ kéo dài sang năm 2010. Mặt khác, tốc độ tăng của nguồn vốn huy động từ các TCTD thấp hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đã gây khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn.

 

Do tác động của các giải pháp kích thích kinh tế, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức cao, trong khi huy động vốn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của các TCTD. Lãi suất huy động tăng cao trong khi trần lãi suất cho vay bị khống chế bởi lãi suất cơ bản làm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc trích lập dự phòng rủi ro và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các TCTD. Trong khi thị trường ngoại hối, thị trường vàng và cán cân thanh toán quốc tế còn nhiều diễn biến không thuận lợi, nhất là vấn đề cân đối cung - cầu ngoại tệ.

 

Năm 2010 để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trọng tâm là hoàn thiện 2 dự thảo Luật NHNN (sửa đổi) và Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội Khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách HTLS của Chính phủ, ngân hàng còn điều hành CSTT một cách thận trọng, linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra.

 

Với định hướng điều hành lãi suất và tỉ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định hoạt động và an toàn hệ thống, NHNN cũng sẽ áp dụng biện pháp điều hành cung ứng tiền chặt chẽ và thận trọng. Theo đó, các mức lãi suất cơ bản, tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu được điều chỉnh linh hoạt để kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý và thực dương, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Tỉ giá liên ngân hàng cũng được điều chỉnh phù hợp với tín hiệu thị trường theo hướng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

 

Để đạt được mục tiêu trên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu lên hàng đầu; phải kiểm soát nhập siêu ở mức 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại chính sách mở rộng đầu tư trong việc gắn với chương trình mục tiêu sử dụng thiết bị, máy móc trong nước./.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm