Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2009, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 21,5 tỷ USD. Dù đây là con số không cao song đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân trong một năm đầy khó khăn như năm 2009. Bước sang năm 2010, chúng ta đang kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Trong năm 2009, có 215 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,13 tỷ USD, bằng 98,3% so với năm 2008. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 21,48 tỷ USD, bằng 30% so với năm 2008.
Dù lượng FDI đăng ký giảm sút lần đầu tiên sau 5 năm tăng cao liên tục nhưng tỷ trọng vốn giải ngân so với vốn đăng ký đang có xu hướng tăng dần đều theo các năm cho thấy FDI đang thực sự đi vào chất, thay vì chỉ là kỷ lục đăng ký chót vót. Trong năm 2009, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10 tỷ USD, bằng 87% so với năm 2008.
Cũng trong năm qua, dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong đó, có 32 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 4,9 tỷ USD và 8 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Trong đó có một số dự án có quy mô lớn được cấp phép trong năm như Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam, dự án Công ty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai và dự án Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam có tổng vốn đầu tư lần lượt là 4,15 tỷ USD, 2 tỷ USD và 1,68 tỷ USD.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba trong năm 2009 với 2,97 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,22 tỷ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm.
Trong năm 2009, có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Cayman Islands đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD chiếm 9,4%, đứng thứ 3 là Samoa với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD chiếm 7,9%; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 1,66 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong năm 2009 với 6,73 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai và Phú Yên với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 4,1 tỷ USD; 2,5 tỷ USD; 2,36 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đối với khu vực đầu tư nước ngoài, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết, có định hướng thu hút vào các vùng một cách hợp lý, đặc biệt là vào các lĩnh vực ưu tiên.
Dự kiến trong năm 2010, thu hút vốn đầu tư vào (bao gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất) đạt từ 22-25 tỷ USD, tăng 10% so với ước thực hiện 2009 với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD và vốn tăng thêm dự kiến khoảng 3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, một số giải pháp cơ bản trong năm 2010 đã được đề cập đến, đó là chúng ta cần tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Bên cạnh đó, ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật … cho các các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngoài ra, xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân; rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án; công bố rộng rãi và có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch đã được duyệt.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc đào tạo lao động, nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực và thế giới; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý về đầu tư nước ngoài; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN