Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm hàng hoá đóng gói sẵn phục vụ nhu cầu tiện ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, nhất là hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với gần 3.200 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên toàn quốc đối với 3 nhóm hàng hoá: sản phẩm đồ uống, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát; vật tư nông nghiệp và sản phẩm gia dụng công nghiệp… có tới 778 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định.
Vi phạm chủ yếu là sản xuất, buôn bán hàng hóa không đủ định lượng ghi trên bao bì, không ghi định lượng, nhiều cơ sở buôn bán hàng hết hạn sử dụng, hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng, hàng giả mạo chứng chỉ hợp chuẩn... Thế nhưng, tổng số tiền phạt hành chính chỉ là trên 1,7 tỷ đồng (trung bình chỉ hơn 2 triệu đồng/một hành vi hoặc cơ sở vi phạm).
Một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ cơ sở vi phạm cao như: Bạc Liêu: 88,9%, TP HCM: 87,5%, Gia Lai: 74,3%... Điều đáng quan tâm là hiện nay công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thiếu tính đồng bộ; chế tài xử lý còn quá nhẹ, thậm chí không có sức mạnh răn đe.
Tết Nguyên đán là thời điểm bùng phát và các loại hàng hoá quá hạn sử dụng, chất lượng kém hoặc hàng giả, hàng nhái, hàng không đủ trọng lượng có cơ hội “lách” vào thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường. Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm hàng hoá để kiên quyết bài trừ những hàng hoá gian lận./.
Theo vovnews.vn.