Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, năm con Hổ người tiêu dùng Việt tiếp tục dè sẻn trong chi tiêu, tính toán lkỹ càng trước khi mua sắm và chỉ rút ví chi cho những thứ còn thiếu
Phần đông NTD thắt lưng buộc bụng
Xu hướng tiêu dùng năm 2010 tiếp tục có sự khác biệt giữa đối tượng có thu nhập cao, thu nhập trung lưu và đa số đối tượng có thu nhập thấp.
Kinh tế năm 2009 vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của những bất ổn, khủng hoảng kinh tế, đến năm 2010 nền kinh tế ở nước ta chưa hẳn đã thuận lợi. Đông đảo NTD tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu. Trong điều kiện kinh tế eo hẹp, đa số khách hàng sẽ tính toán kỹ càng trong mua sắm, thận trọng tìm mua những thứ còn thiếu. Đặc biệt những người có thu nhập thấp vẫn sát sao trong chi tiêu cá nhân, cắt giảm thanh toán để tập trung dành dụm tiền.
Tuy nhiên tầng lớp những người có thu nhập cao, vẫn "chịu khó" tiêu xài, tiêu dùng lớn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mong muốn và tin tưởng rằng, trong năm mới, khối tiêu dùng Nhà nước, doanh nghiệp (tiêu dùng cho đầu tư) sẽ tăng trưởng hơn nữa. Khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, Nhà nước tiếp tục vận động, giám sát đầu tư mua sắm, đảm bảo sản phẩm chất lượng, cạnh tranh thật sự, đây là khối tiêu dùng lớn trong xã hội.
Ưu tiên hàng nội
Năm tới, NTD Việt sẽ ủng hộ hàng Việt nhiều hơn. Do hàng hoá trong nước đã cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, có những thay đổi phù hợp trong khâu phân phối, các doanh nghiệp quan tâm hơn đến NTD Việt, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nỗ lực của doanh nghiệp trong nước đã tạo niềm tin cho NTD trong thời gian vừa qua, dự báo tiêu dùng hàng nội địa sẽ tăng trong năm tới.
Về hàng ngoại, với các sản phẩm Trung Quốc chất lượng kém, hàng hoá không rõ nguồn gốc, sản phẩm nguy hại đến sức khoẻ, nhìn chung NTD Việt Nam sẽ có thái độ thận trọng hơn.
Hàng ngoại khác có chiều hướng tăng lên, đặc biệt hàng hoá của các nước Asean. Được hưởng thuế thấp hơn nên các nước này sẽ tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam (đặc biệt Thái Lan, Malaysia, Indonesia...) với sản phẩm có mẫu mã phong phú, chất lượng đảm bảo, khả năng ngày càng phát triển ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hàng Nhật cũng có thể tăng khi hiệp định hợp tác kinh tế giữa hai nước được ký kết. Nhiều cửa hàng bán hàng Nhật với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, phù hợp túi tiền sẽ là sự lựa chọn của nhiều NTD.
Năm tới, các chuyên gia kinh tế dự đoán các sản phẩm của châu Âu vẫn giữ mức tăng trưởng. Hàng châu Âu chủ yếu là các mặt hàng may mặc, thời trang, dày dép, thực phẩm, hóa mỹ phẩm... không nằm trong khả năng mua sắm của khối tiêu dùng bình thường. Trong khi các mặt hàng đặc chủng như điện tử, điện lạnh...không cạnh tranh bằng các nước châu Á khác.
Tiêu dùng nhiều nhất cho lương thực - thực phẩm
Dự đoán, trong các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm sẽ có mức tiêu dùng lớn nhất.
Thứ hai là nhu cầu tiêu dùng cho việc học hành của con em, với các sản phẩm, dịch vụ học tập tốn kém.
NTD Việt sẽ dành sự ưu tiên tiếp theo cho dược phẩm, các sản phẩm dành cho sức khoẻ. Trong đó dược phẩm trong nước có khả năng chiếm lĩnh thị trường, do dược phẩm nhập khẩu có giá quá cao.
Các nhu cầu khác như đi lại, thông tin liên lạc sẽ tiếp tục tăng cao. Khi hệ thống giao thông chưa tốt, NTD vẫn chú trọng phương tiện cá nhân hơn các phương tiện công cộng, khả năng mua ô tô, xe máy của NTD Việt tiếp tục tăng. Dịch vụ mobile, internet... trong năm tới cũng sẽ phát triển tương đối đồng đều và ngày càng tăng.
Các sản phẩm, dịch vụ về văn hoá, du lịch, thể thao... vẫn là nhu cầu lớn của NTD, bất cứ NTD nào cũng có nhu cầu tuy nhiên mức độ tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập. Du lịch nội địa có khả năng tăng vì phù hợp túi tiền của phần đông NTD. Khả năng tăng tiêu dùng cho các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, giải trí phụ thuộc thu nhập đặc biệt tầng lớp thu nhập cao, trung bình trở lên, và phụ thuộc vào chất lượng, số lượng các sản phẩm văn hoá trong nước. Trong năm tới có nhiều sản phẩm lớn với hàng loạt các sự kiện trong nước được nhiều người quan tâm sẽ khuyến khích tiêu dùng vào lĩnh vực này.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, nhà ở là vấn đề thiết yếu và NTD vẫn có nhu cầu lớn, nhất là phân khúc nhà ở xã hội. Khi Nhà nước chú trọng đầu tư nhà ở cho người có thu nhập thấp, xu hướng đầu tư vào nhà ở cho người trung bình được quan tâm hơn trong năm tới, tạo nguồn cung phong phú, khả năng tiêu dùng cho nhà ở cao và sẽ tăng rõ rệt trong năm 2010.
Theo VietNamnet