Chuyên gia Dave Carbon cho rằng trong năm 2010, châu Á sẽ lần đầu tiên tạo ra nhiều mức cầu hơn Mỹ và trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới
Tờ “Tài chính châu Á” của Hồng Công, Trung Quốc dẫn lời ông Dave Carbon, phụ trách nghiên cứu tiền tệ và kinh tế của Ngân hàng hàng đầu Singapore DBS, cho rằng năm 2010 sẽ năm cột mốc cho tăng trưởng kinh tế châu Á, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu lớn nhất của kinh tế toàn cầu hiện nay.
Chuyên gia Carbon cho rằng trong năm 2010, châu Á sẽ lần đầu tiên tạo ra nhiều mức cầu hơn Mỹ và trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo ông, trong suốt thập niên qua, nhiều nhà phân tích đã dự báo về sự trỗi dậy của châu Á bởi quá trình sa sút của Mỹ và châu Âu, và giờ thì ngày đó đang đến.
Không kể Nhật Bản, mức cầu đã tăng nhanh ở châu Á trong 20 năm qua, đáng kể nhất là mức tăng trung bình đạt khoảng 7% đối với 10 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Trung Quốc, Hongkong, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các thành viên ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Tính đến lúc này, quy mô tổng cộng của các nền kinh tế này vẫn còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, ông Carbon nhận định quá trình tích lũy của 2 thập niên tăng trưởng nhanh chóng đã giúp châu Á hiện nay có quy mô bằng khoảng 44% kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, ông Carbon cũng cảnh báo rằng sự hồi phục ấn tượng của châu Á không thể duy trì vô hạn định. Chuyên gia này ước tính cuối năm nay, mức tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á sẽ chậm dần khi nhu cầu chững lại, mức cung bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa công suất bắt đầu thể hiện hậu quả và các ngân hàng trung ương trong khu vực nhiều khả năng phải thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát./.
Theo TTXVN