Cập nhật: 19/03/2010 14:37:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng tỷ giao dịch diễn ra hàng ngày với “tiền trong tay người tiêu dùng” còn “quyền” thuộc về nhà sản xuất, nhà cung ứng. Với cách hành xử này, “tiền của chúng ta” vẫn mất mà “quyền của chúng ta” lại không có.

“Đi tìm quyền của người tiêu dung” là chủ đề của Ngày Người tiêu dùng thế giới năm 2010. Tưởng rằng, đây là một điều hiển nhiên nhưng thực tế, “Tiền của chúng ta” vẫn không đi liền với “Quyền của chúng ta”. Hiện nay, người tiêu dùng vẫn phải đi tìm “quyền” của mình giữa vô vàn quy định của pháp luật và bạt ngàn hàng giả, hàng nhái.

 

Tiền của người tiêu dùng, quyền của doanh nghiệp

 

Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (Vinasta), có tới 62% NTD mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết. Còn những trường hợp biết mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng lại không biết kêu ai. Thực tế những khách hàng khiếu nại chỉ nhận được sự tiếp thu nghiêm túc của 21% doanh nghiệp, còn 30% không nhận được phản ứng gì, 33% doanh nghiệp tỏ thái độ khó chịu, 4% nhận được phản ứng khiếm nhã.

 

Khi NTD mua phải hàng kém chất lượng thì việc khiếu nại cũng không đơn giản vì vướng thủ tục giám định. Bên cạnh đó, không ít trường hợp các khiếu nại, phản ánh của NTD được các nhà sản xuất, DN giải quyết chủ yếu tùy thuộc vào sự thoả thuận giữa 2 bên.

 

Đầu năm 2010, ThS. Phan Thế Công, giảng viên Khoa Kinh tế (Đại học Thương mại Hà Nội), hoàn tất điều tra xã hội học với 583 NTD Hà Nội - nơi người dân có điều kiện được thông tin đầy đủ nhất. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 3/4 số người được hỏi khẳng định sẽ không khiếu nại khi bị xâm phạm quyền lợi. Nguyên nhân chính khiến NTD không khởi kiện, theo điều tra này, là do “không biết kiện ở đâu” (chiếm 37,24%) và “có kiện cũng chẳng được gì” (46,68%).

 

Trách nhiệm của cơ quan quản lý?

 

Lý do quan trọng nhất khiến NTD không khởi kiện là tâm lý có kiện cũng khó mà được bảo vệ quyền lợi. Đánh giá về những khó khăn mà các cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD đối mặt trong quá trình bảo vệ NTD, 583 người được hỏi cho rằng, khó khăn lớn nhất là cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh. Một số phiếu điều tra có ý kiến rất mạnh mẽ rằng, nguyên nhân chính ở đây là do các cơ quan chức năng “không có trách nhiệm” trong vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD. Bởi vì, NTD rất khó đánh giá được chất lượng hàng hoá, chủ yếu chỉ qua cảm nhận, cảm quan. Không NTD nào thông thái đến mức biết được nước tương có chứa chất gây ung thư hay không, không ai thông thái đến mức nhìn vào cây xăng là biết ngay xăng có pha aceton…

 

Một câu hỏi đặt ra là tại sao NTD cứ bị thiệt hại trước, rồi sau đó mới thấy cơ quan Nhà nước nhảy vào cuộc. Như với nước tương có chất gây ung thư, NTD đã dùng nhiều năm và sự việc bị phát hiện lại xuất phát từ một nước châu Âu. Phải nói rằng, các cơ quan chức năng đã phản ứng quá chậm, gây thiệt hại cho NTD, thậm chí thiệt hại có thể trả giá bằng tính mạng. Hàng tỷ giao dịch đang diễn ra hàng ngày với “tiền trong tay NTD” còn “quyền” thuộc về nhà sản xuất, nhà cung ứng. Với cách hành xử này, “tiền của chúng ta” vẫn mất mà “quyền của chúng ta” lại không có.

 

Thực tế, Việt Nam không phải không có hành lang pháp lý để NTD yên tâm rằng “tiền của chúng ta” thì “quyền của chúng ta”. Nhưng NTD vẫn lúng túng, yếu thế dù pháp luật có cả một hệ thống các quy định hiện hành về bảo vệ NTD. Theo Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, ông Bạch Văn Mừng, nguyên nhân là các quy định bảo vệ NTD còn rất chung chung, thiếu những biện pháp để đảm bảo thực thi các trách nhiệm này. Hơn nữa, các thiết chế xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để bảo vệ NTD có hiệu quả./.

 

 

Theo vovnews.vn/ Báo TNVN

Tệp đính kèm